Thế nào là bảo vệ cổ đông?

Từ năm 2004, Ngân hàng Thế giới đã xây dựng một bộ chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của 189 quốc gia và so sánh, xếp hạng giữa các quốc gia. Bộ chỉ số được đánh giá trên 10 chỉ số, trong đó có một chỉ số gọi là bảo vệ nhà đầu tư hay còn gọi là bảo vệ cổ đông.

Giai đoạn 2004-2014, theo phương pháp tiếp cận của Ngân hàng Thế giới, thì bảo vệ cổ đông được hiểu là lợi ích các cổ đông nhỏ được bảo vệ khỏi bị chiếm đoạt bởi các giao dịch nội gián của công ty. Giao dịch nội gián là giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi cho người quản lý – thường là cổ đông lớn, thay vì mang lại lợi ích chung cho công ty, do đó sẽ gây thiệt hại cho cổ đông nhỏ. Cùng với đó, giao dịch nội gián thường là giao dịch giữa công ty và bên có liên quan của người quản lý, ví dụ như công ty khác mà người quản lý hoặc họ hàng người quản lý là cổ đông. Bảo vệ cổ đông nhỏ chính là giảm trường hợp người quản lý hoặc cổ đông lớn, đồng thời là người quản lý thiết lập các giao dịch tư lợi nhằm chiếm đoạt lợi ích của cổ đông nhỏ.

Do đó, khi đánh giá mức độ bảo vệ cổ đông Ngân hàng Thế giới đã sử dụng 3 tiêu chí sau đây: (i) mức độ công khai hóa giao dịch có liên quan và vai trò cổ đông nhỏ trong phê duyệt giao dịch tư lợi; (ii) trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý khi thiết lập giao dịch tự lợi; và (iii) độ dễ dàng cho cổ đông khởi kiện người quản lý đòi đền bù thiệt hại gây ra cho công ty.

Kể từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng Thế giới đổi tên chỉ số bảo vệ cổ đông thành chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số. Đi cùng với việc đổi tên, chỉ số này đã được mở rộng phạm vi đánh giá về bảo vệ nhà đầu tư bằng cách bổ sung thêm 3 chỉ số, đó là: (i) quyền và vai trò của cổ đông đối với việc ra các quyết định quan trọng trong công ty; (ii) các quy định nhằm ngăn chặn việc kiểm soát và bảo vệ vị trí của hội đồng quản trị; (iii) công khai, minh bạch về sở hữu, thù lao, kiểm toán và báo cáo tài chính của người quản lý công ty và công ty. Việc thay đổi này nhằm phản ánh chính xác hơn bản chất của chỉ số này là bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông thiểu số trước sự chiếm đoạt lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông nắm quyền kiểm soát hoặc hội đồng quản trị. Biểu đồ 1 cho thấy sự thay đổi về chỉ số đo lường mức độ bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới.

Biểu đồ 1: Sự thay đổi về chỉ số đo lường mức độ bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư

Thực tế khung khổ pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư ở nước ta hiện nay

So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo ra cải cách đột phá về khung khổ pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư. Theo đó, quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, xếp hạng 89/190 quốc gia năm 2019 (so với thứ hạng 117 năm 2014, thứ hạng 169 năm 2013).

Biểu đồ 2: Xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, so sánh giữa Việt Nam và một số quốc gia

MMặc dù vậy, nếu so sánh thực trạng hiện nay với các quốc gia xung quanh, thì mức độ bảo vệ nhà đầu tư theo pháp luật ở nước ta còn thấp xa so với Indonesia – quốc gia tương đồng nhất (xếp thứ hạng 51); thấp hơn nhiều so với Thái Lan (xếp thứ hạng 15), Singapore (xếp thứ hạng 7) và Malaysia (xếp thứ hạng 2) (Biểu đồ 2). Trong đó, nội dung được đánh giá yếu nhất trong số các nội dung cấu thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư ở nước ta là các quy định về: (i) trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý công ty trong ký kết các giao dịch với người có liên quan (đạt 4/10 điểm); (ii) mức độ dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty (đạt 2/10 điểm).

Đối chiếu tiêu chí đánh giá trên với quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp cho thấy một số bất cập và hạn chế cơ bản về bảo vệ cổ đông như sau:

- Một số quy định về quyền cổ đông chưa phù hợp, đã cản trở cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty và tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty. Ví dụ, khoản 2, Điều 114, khoản 4, Điều 149, Luật Doanh nghiệp (năm 2014) yêu cầu cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần và trong 06 tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị. Yêu cầu, điều kiện này là cao hơn so với thực tế đã dẫn đến khó khăn cho cổ đông, đặc biệt cổ đông mới của công ty, thực hiện quyền của mình.

- Các cổ đông chưa thực sự thuận lợi trong khởi kiện người quản lý do vi phạm trong điều hành công ty hoặc ngăn ngừa họ ký kết và thực hiện giao dịch gây thiệt hại cho công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp (năm 2014), cổ đông hiện không có quyền tiếp cận các thông tin về giao dịch giữa công ty với người có liên quan, không được quyền tiếp cận các nghị quyết của hội đồng quản trị… Do không có thông tin, cổ đông khó có thể khởi kiện và càng ít cơ hội khởi kiện thành công người quản lý khi họ vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm trong điều hành công ty.

Dự kiến các nội dung sửa đổi quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư là một trong những nội dung ưu tiên cải cách của Chính phủ trong thời gian tới. Ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 tiếp tục đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư (A5) lên 7-10 bậc. Để thực hiện mục tiêu này, Luật Doanh nghiệp đang được sửa đổi và sẽ trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5 năm 2020.

Theo Tờ trình dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), thì việc sửa đổi lần này nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế. Trong đó, có một mục tiêu quan trọng là nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào Kỳ hợp tháng 5 năm 2020

Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đã có nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, cơ bản nhằm nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ, như: mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông. Ví dụ, sửa đổi các khoản 2 Điều 114, khoản 2 Điều 135, khoản 4 Điều 149, khoản 1 Điều 161 để mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty.

Bên cạnh đó, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền của mình, như: bãi bỏ nội dung hạn chế về thời hạn tối thiểu sở hữu cổ phần đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền nhất định; bổ sung quyền cho đại hội đồng cổ đông quyết định thù lao hội đồng quản trị, quyết định lựa chọn kiểm toán độc lập; bổ sung khoản 4 Điều 115 để quy định rõ trách nhiệm của cổ đông trong việc bảo mật các thông tin mà cổ đông có quyền được xem xét, tra cứu, trích lục từ công ty nhằm tránh và ngăn ngừa cổ đông lạm dụng quyền tiếp cận thông tin của mình...

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này được đặt trọng tâm vào sự chủ động hoàn thiện khung khổ pháp luật về quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư hướng tới chuẩn mực tốt nhất theo thông lệ quốc tế và khu vực. Kỳ vọng rằng, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sau khi được thông qua, thì cổ đông, nhà đầu tư sẽ được bảo vệ ở mức độ tốt của khu vực và thế giới./.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho thấy có 05 thay đổi lớn như sau:

(1) Đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường. Cụ thể, trong khung khổ của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cơ bản bao gồm: Bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết, gồm: Thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp... Bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

(2) Nâng cao khung khổ pháp luật bảo vệ nhà đầu tư. Nguyên tắc quan trọng của cơ chế bảo vệ cổ đông là đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty; xung đột lợi ích trong công ty phải được kiểm soát; tạo điều kiện dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty khi vi phạm trách nhiệm trong điều hành công ty.

(3) Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo đó, khái niệm DNNN được sửa đổi để bao gồm cả 2 loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp, mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp, mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng không người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc (bao gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng; bổ sung quy định công khai hóa thông tin của doanh nghiệp)...

(4) Hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh. Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh. Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).

(5) Tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại doanh nghiệp. Các quy định trong chương tổ chức lại doanh nghiệp dự kiến được sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp để đảm bảo tương thích với quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành); chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty…/.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2005). Luật Doanh nghiệp, số 60/2005/QH11, ngày 29/11/2005

2. Quốc hội (2014). Luật Doanh nghiệp, số 68/2014/QH13, ngày 26/11/2014

3. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020

4. World Bank (2019). Doing business Report 2019

Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1+2, tháng 1/2020)