Để triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật (rà soát văn bản) theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính toàn diện và hệ thống, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ (Kế hoạch).

Ảnh minh họa

Cụ thể, trước ngày 15/2/2020, Bộ Tư pháp hoàn thành xây dựng tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện rà soát văn bản. Tháng 2/2020, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành xây dựng Kế hoạch rà soát văn bản tại các bộ, cơ quan ngang bộ. Tháng 5/2020, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành rà soát văn bản.

Tháng 6/2020, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành và gửi Báo cáo kết quả rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ về Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo của Chính phủ về rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước và trình Chính phủ vào tháng 7/2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tế của bộ, cơ quan ban hành Kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao; kịp thời trao đổi, phối hợp với Bộ Tư pháp để xử lý những khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Các cơ quan được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể quy định trong Kế hoạch có trách nhiệm lập dự toán và sắp xếp, bố trí kinh phí bảo đảm việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Việc lập dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đối với các cơ quan được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch nhưng chưa được bố trí kinh phí trong công tác tổ chức triển khai thực hiện rà soát văn bản thì được ngân sách nhà nước cấp bổ sung theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Bộ Tư pháp chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thực hiện Kế hoạch, trình Chính phủ báo cáo của Chính phủ về rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

Năm 2018, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 5.557 văn bản (648 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, 4.909 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh); phát hiện và đã kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).

Tính đến ngày 21/12/2018, có 52/84 văn bản đã được xử lý; 32 văn bản chưa xử lý (trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý). Trên cơ sở kết quả rà soát thường xuyên, các cơ quan cấp bộ và UBND cấp tỉnh đã thực hiện định kỳ công bố văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong năm 2016 theo quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 1.236 quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là quy phạm pháp luật, nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Qua đó, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã xử lý được 3.814 quy phạm pháp luật (bao gồm quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành, nội dung và quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày)./.