Dù đã có Luật Đấu thầu nhưng hiện nay vẫn có đến 75% gói thầu còn chỉ định thầu, chiếm 45% tổng vốn đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện tại chỉ điều chỉnh các hoạt động mua sắm thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước, gồm dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển; dự án mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước; dự án cải tạo, sửa chữa lớn thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay xuất hiện nhiều hoạt động mua sắm khác sử dụng nguồn lực của nhà nước mà chưa được điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện.

Cụ thể các hoạt động mua sắm vì mục đích công nhưng không hình thành dự án; các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án hợp tác công - tư (PPP); dự án sử dụng đất và các hoạt động mua sắm của doanh nghiệp nhà nước.

Dù đã có Luật Đấu thầu nhưng hiện nay vẫn có đến 75% gói thầu còn chỉ định thầu, chiếm 45% tổng vốn đầu tư. Việc chỉ định thầu tràn lan đang là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, lãng phí.

Đáng báo động là tình trạng bỏ thầu với giá thấp để giành hợp đồng, dẫn đến công trình kém chất lượng, thiếu cơ chế để khuyến khích, chế tài để các nhà thầu sử dụng vật liệu xây dựng thuộc danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được.

Điều kỳ vọng nhất đối với dự án Luật Đấu thầu sửa đổi là nâng cao chất lượng công trình, khắc phục những bất cập trong các dự án điện hiện nay. Xin nêu một thí dụ, hầu hết dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI (trong đó rất nhiều dự án do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận) như Hải Phòng 1, 2; Cẩm Phả 1, 2; Quảng Ninh 1, 2… đều bị chậm tiến độ từ 1-3 năm.

Nguyên nhân chủ yếu do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính. Việc Luật Đấu thầu không có quy định khống chế nhà thầu bỏ giá dưới giá sàn đã khiến nhà thầu Trung Quốc chọn cách này để được trúng thầu khi tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam.

Điều đáng nói đây lại là những nhà thầu yếu kém về năng lực tài chính, kỹ thuật, tổ chức thi công, nên những dự án họ trúng thầu liên tục vi phạm về tiến độ, chất lượng. Vì thế, việc sửa Luật Đấu thầu cần theo hướng cho phép chủ đầu tư lựa chọn thiết bị có chất lượng cao, chọn nhà thầu EPC (thiết kế - cung cấp vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình) có kinh nghiệm và khả năng tài chính từ các nước công nghiệp phát triển.

Thực tế nhiều năm qua, cơ chế cứng nhắc khi lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng đã làm cho thời gian dự án kéo dài, hạn chế cạnh tranh, kết quả chọn nhà thầu không được như mong muốn; nhiều gói thầu chỉ mang tính hình thức, dẫn đến tình trạng bị vỡ thầu.

Việc quy định nhà thầu có “giá thấp nhất” trúng thầu cần được thay bằng quy định trúng thầu là nhà thầu có “giá hợp lý”.

Việc quy định nhà thầu chào thầu phải nêu rõ xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu (hoặc hồ sơ đề xuất) là cần thiết, bởi hàng hóa có cùng tiêu chuẩn, chỉ tiêu kỹ thuật có xuất xứ từ Trung Quốc có giá thấp hơn rất nhiều, nhưng chất lượng không thể bằng hàng hóa có xuất xứ từ các nước G7. Đây là những bất cập lớn cần phải khắc phục càng sớm càng tốt.

Để ngăn ngừa tình trạng “chạy” hoặc “đi đêm” giữa chủ đầu tư và nhà thầu, cần tăng cường đấu thầu cạnh tranh theo hướng minh bạch và công bằng. Có như vậy mới ngăn chặn tình trạng thất thoát ngân sách, đảm bảo chất lượng dự án. Đây cũng là biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính thắng thầu bằng năng lực thực sự.

Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đang dự kiến đưa hình thức đấu thầu qua mạng vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi. Qua 3 năm thí điểm hình thức này đã cho thấy nhiều ưu điểm, như nhà thầu, nhà đầu tư không biết mặt nhau nên loại trừ được yếu tố quen biết; hình thức đấu thầu, mua sắm qua mạng giảm được chi phí giao dịch, tăng sức cạnh tranh để các gói thầu có giá phù hợp nhất.

Vấn đề quan trọng nữa, là để đảm bảo lợi ích quốc gia trong tổ chức đấu thầu quốc tế cần có quy định rõ ràng, cụ thể về việc nhà thầu phải sử dụng vật liệu xây dựng, các trang thiết bị đạt quy cách, tiêu chuẩn chất lượng sản xuất tại Việt Nam; sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam.

Bên cạnh đó, để khuyến khích nhà thầu trong nước tham gia dự thầu quốc tế, chỉ cần yêu cầu một số điều kiện như được một ngân hàng thương mại xác nhận cấp đủ vốn cần thiết để thực hiện hợp đồng nếu trúng thầu; đã từng làm thầu phụ tại một công trình tương tự...

Theo SGĐTTC