Lời toà soạn: Thời gian qua, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã đăng tải khá nhiều bài về tích hợp quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định hướng dẫn được ban hành và có hiệu lực, nhưng việc triển khai tích hợp quy hoạch vẫn đang có nhiều vướng mắc, làm chậm trễ tiến độ lập quy hoạch, chậm tiến trình phát triển. Để góp phần vào “tháo gỡ” những vướng mắc, hướng dẫn triển khai tích hợp quy hoạch, Tạp chí Kinh tế và Dự báo xin giới thiệu chùm 6 bài của TS. Ngô Công Thành, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bài 2: Thực hiện tích hợp quy hoạch đối với quy hoạch tỉnh.

Yêu cầu về tích hợp quy hoạch trong việc lập quy hoạch tỉnh rất cao, dễ xảy ra xung đột lợi ích giữa các ngành, lĩnh vực

Quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Quy hoạch tỉnh kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Vì vậy, yêu cầu về tích hợp quy hoạch trong việc lập quy hoạch tỉnh rất cao, dễ xảy ra xung đột lợi ích giữa các ngành, lĩnh vực trong việc sử dụng đất đai, tài nguyên.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 27, Luật Quy hoạch năm 2017, nội dung quy hoạch tỉnh thể hiện các dự án cấp quốc gia đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia; các dự án cấp vùng, liên tỉnh đã được xác định ở quy hoạch vùng; định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn huyện. Nội dung cụ thể của quy hoạch tỉnh quy định tại khoản 2, Điều 27, Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Để thực hiện tích hợp quy hoạch trong việc lập quy hoạch tỉnh, phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

Một là, xác định các nội dung phân công cơ quan, tổ chức, UBND cấp huyện đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh

Khi xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, để thực hiện tích hợp quy hoạch đối với quy hoạch tỉnh, cần xác định đầy đủ các nội dung quy hoạch phân công cho các cơ quan, tổ chức, UBND cấp huyện đề xuất đưa vào quy hoạch tỉnh (Thông tư 08/TT-BKHĐT, ngày 17/05/2019 hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch gọi là “nội dung đề xuất”). Hoạt động này không chỉ đáp ứng yêu cầu của tích hợp quy hoạch, mà còn giúp cho việc dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh đầy đủ, chính xác, tránh phải điều chỉnh dự toán trong quá trình lập quy hoạch.

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 27, Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, quy hoạch tỉnh có thể có các “nội dung đề xuất” sau đây:

Các “nội dung đề xuất” áp dụng chung cho các tỉnh, gồm:

(1) Phương án phát triển đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn và phân bố hệ thống điểm dân cư (Sở Xây dựng);

(2) Phương án phát triển các cụm công nghiệp (Sở Công Thương);

(3) Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

(4) Xác định khu vực quân sự, an ninh (Ban Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Công an tỉnh);

(5) Phương án phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, những khu vực có vai trò động lực trên địa bàn tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư);

(6) Phương án phát triển mạng lưới giao thông (Sở Giao thông vận tải);

(7) Phương án phát triển mạng lưới cấp điện (Điện lực tỉnh);

(8) Phương án phát triển mạng lưới viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông);

(9) Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

(10) Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, nghĩa trang liên huyện (Sở Xây dựng);

(11) Phương án phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, hội chợ, triển lãm (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch);

(12) Phương án phát triển các trung tâm thương mại (Sở Công Thương);

(13) Phương án phát triển mạng lưới cơ sở y tế (Sở Y tế);

(14) Phương án phát triển mạng lưới cơ sở khoa học - công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ);

(15) Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục – đào tạo (Sở Giáo dục và Đào tạo);

(16) Phương án phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề và bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội);

(17) Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện (Sở Tài nguyên và Môi trường);

(18) Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường);

(19) Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường);

(20) Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường);

(21) Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Các nội dung đề xuất theo đặc thù từng tỉnh:

- Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện (Sở Xây dựng); số lượng phương án phụ thuộc số vùng liên huyện được xác định khi xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch (một tỉnh có thể có một hoặc một số vùng liên huyện tùy theo yêu cầu liên kết phát triển);

- Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện (UBND cấp huyện); số lượng phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện phụ thuộc số đơn vị hành chính cấp huyện trong tỉnh (Thành phố, thị xã, huyện thuộc tỉnh). Theo địa giới hành chính hiện hành, tỉnh có số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc nhiều nhất là Thanh Hóa với 27 đơn vị, gồm 24 huyện, 2 thành phố và 1 thị xã; tỉnh có số đơn vị hành chính cấp huyện ít nhất là Hà Nam với 1 thành phố và 5 huyện.

- Phương án phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với các tỉnh có diện tích rừng lớn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

- Phương án phân bổ sử dụng không gian biển đối với các tỉnh, thành phố có biển (Sở Tài nguyên và Môi trường);

Như vậy, mỗi địa bàn cấp tỉnh có 21 “nội dung đề xuất” cố định, 4 nội dung quy hoạch có thể thay đổi về số lượng “nội dung đề xuất” tùy thuộc vào yêu cầu liên kết phát triển giữa các huyện (hình thành một hoặc một số vùng liên huyện), số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và điều tự nhiên của tỉnh (có rừng hoặc có biển). Ví dụ, Hà Nam chỉ có 28 “nội dung đề xuất”, trong khi tỉnh Thanh Hóa có thể có tới 55 “nội dung đề xuất” tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Hai là, yêu cầu về tiếp cận tổng hợp trong việc lập quy hoạch tỉnh:

Theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 16, Luật Quy hoạch năm 2017, cơ quan lập quy hoạch tỉnh lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, UBND cấp huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch.

Tiếp cận tổng hợp trong việc lập quy tỉnh đặt ra hai yêu cầu chính sau đây:

Thứ nhất, cơ sở thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ lập quy hoạch tỉnh được thu thập, thống kê ở cùng một thời điểm và được dùng chung cho tất cả các cơ quan, tổ chức, UBND cấp huyện tham gia lập quy hoạch tỉnh.

Thứ hai, các nội dung quy hoạch tỉnh dưới đây phải được phối hợp nghiên cứu tổng hợp chung để tạo dựng cơ sở cho các cơ quan, tổ chức lập “nội dung đề xuất” tích hợp vào quy hoạch tỉnh:

(i) Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; Vị thế, vai trò của tỉnh đối với vùng, quốc gia; Các yếu tố, điều kiện của vùng, quốc gia, quốc tế tác động đến phát triển tỉnh; Các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

(ii) Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn: Đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế và thực trạng phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; khả năng huy động nguồn lực; Đánh giá thực trạng các ngành và lĩnh vực xã hội của tỉnh gồm dân số, lao động, việc làm, bình đẳng giới, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ; Đánh giá tiềm năng đất đai và hiện trạng sử dụng đất của tỉnh, tính hợp lý và hiệu quả sử dụng đất của tỉnh; Đánh giá thực trạng phát triển và sự phù hợp về phân bố phát triển không gian của hệ thống đô thị và nông thôn, các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh; Xác định những tồn tại, hạn chế cần giải quyết; phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức.

(iii) Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh: Xây dựng quan điểm về phát triển tỉnh, tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; Xây dựng các kịch bản phát triển và lựa chọn phương án phát triển tỉnh; Mục tiêu tổng quát phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 20 đến 30 năm; Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức, sắp xếp không gian phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; Xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

(iv) Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh: Xác định ngành quan trọng của tỉnh và mục tiêu phát triển; Sắp xếp và tổ chức không gian phát triển ngành quan trọng của tỉnh; Đề xuất giải pháp phát triển ngành quan trọng của tỉnh.

(v) Lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội: Bố trí không gian các công trình, dự án quan trọng, các vùng bảo tồn đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh; Xây dựng phương án kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia và vùng; Xây dựng phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, xác định khu vực khuyến khích phát triển và khu vực hạn chế phát triển; Đề xuất phương án tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, cơ chế phối hợp tổ chức phát triển không gian liên huyện; Lựa chọn phương án sắp xếp không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện.

Ba là, yêu cầu về phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc lập quy hoạch tỉnh:

(i) Từng cơ quan tham gia lập quy hoạch phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. UBND tỉnh thực hiện trách nhiệm cơ quan tổ chức lập quy hoạch tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Cơ quan lập quy hoạch tỉnh (Hội đồng quy hoạch tỉnh hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư tùy theo sự phân công của UBND tỉnh) thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 11 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện trách nhiệm của cơ quan tham gia xây dựng nội dung quy hoạch tỉnh quy định tại Điều 13, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Tổ chức tư vấn lập quy hoạch tỉnh thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 3, Điều 14, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

(ii) Cơ quan lập quy hoạch tỉnh phải xác định rõ yêu cầu đối với từng “nội dung đề xuất” tích hợp vào quy hoạch tỉnh vè phạm vi, nội dung đề xuất. Yêu cầu đối với từng “nội dung đề xuất” phải tương thích với nội dung chính của quy hoạch tỉnh, tập trung vào các điểm sau:

- Xác định vị trí, diện tích đất sử dụng của các dự án cấp quốc gia đã được quy định ở quy hoạch cấp quốc gia, các dự án cấp vùng, liên tỉnh đã được ở quy hoạch vùng liên quan đến “nội dung đề xuất”.

- Xây dựng phương án phát triển ngành, lĩnh vực liên quan đến “nội dung đề xuất” gồm: định hướng phát triển, sắp xếp bố trí không gian và phân bổ nguồn lực để phát triển ngành, lĩnh vực liên quan đến “nội dung đề xuất”.

- Xác định các dự án ưu tiên đầu tư thuộc thẩm quyền cấp tỉnh trong phạm vi ngành, lĩnh vực liên quan đến “nội dung đề xuất” (quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư, diện tích đất sử dụng).

- Đề xuất giải pháp, nguồn lực thực hiện “nội dung đề xuất”.

- Các yêu cầu khác (nếu có).

- Thể hiện “nội dung đề xuất” trên bản đồ.

Trường hợp các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được lập hoặc phê duyệt, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch và cơ quan xây dựng “nội dung đề xuất” chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung “nội dung đề xuất” phù hợp với thực tiễn, tính thống nhất đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UNTVQH14, ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017 2017.

(iii) Phải có kế hoạch lập quy hoạch chuẩn xác và khả thi. Yêu cầu này đòi hỏi phải xây dựng được kế hoạch lập quy hoạch tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, bám sát quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4, Điều 16, Luật Quy hoạch năm 2017, Điều 11 và Điều 13, Nghị định 37/2019/NĐ-CP (quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan, UBND cấp huyện tham gia vào quá trình lập quy hoạch tỉnh); Kế hoạch lập quy hoạch cần tính thời điểm bắt đầu từ khi nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy định các mốc thời gian phải hoàn thành từng nội dung cụ thể của quy hoạch.

Nội dung của Kế hoạch lập quy hoạch cần quy định chi tiết về từng nhiệm vụ, cơ quan chủ trì thực hiện, yêu cầu về tiến độ thực hiện và sản phẩm đầu ra đối với các nhiệm vụ lập quy hoạch được phân công cho cơ quan lập quy hoạch và các cơ quan xây dựng “nội dung đề xuất” tích hợp vào quy hoạch tỉnh để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ và tính khả thi của kế hoạch.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 13, Nghị định số 37/2019 NĐ-CP, trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng nội dung quy hoạch tỉnh lựa chọn tư vấn đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn để xây dựng nội dung quy hoạch tỉnh được phân công theo nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên việc áp dụng quy định này cần hết sức cân nhắc vì sẽ dẫn đến kéo dài thời gian lập quy hoạch do phải tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn lập “nội dung đề xuất”, đồng thời cũng gây khó khăn cho việc lồng ghép “nội dung đề xuất” vào quy hoạch tỉnh, nếu tư vấn lập quy hoạch tỉnh và tư vấn xây dựng “nội dung đề xuất” không thống nhất về phương án phát triển.

Khoản 4, Điều 16, Luật Quy hoạch năm 2017 không quy đinh các cơ quan, tổ chức, UBND cấp huyện lựa chọn tư vấn đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch tỉnh. Do đó, UBND tỉnh nên cho phép Tổ chức tư vấn lập quy hoạch tỉnh chủ động liên danh, liên kết với các tổ chức hoặc cá nhân tư vấn quy hoạch để xây dựng các “nội dung đề xuất” trong quá trình lập quy hoạch tỉnh./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017). Luật Quy hoạch năm 2017, số 21/2017/QH14, ngày 24/11/2017

2. Chính phủ (2019). Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch

TS. Ngô Công Thành

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 10, tháng 04/2020)