Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật năm 2019.

Cả nước đã thực hiện rà soát 44.376 văn bản trong tổng số văn bản 44.447 văn bản cần phải rà soát

Báo cáo cho biết, các bộ, cơ quan ngang bộ (gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã tổ chức thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 13.391 văn bản quy phạm pháp luật.

Riêng Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) đã kiểm tra 4.885 văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan cấp bộ và chính quyền cấp tỉnh ban hành.

Báo cáo cũng chỉ rõ, cả nước đã thực hiện rà soát 44.376 văn bản trong tổng số văn bản 44.447 văn bản cần phải rà soát. Trong đó, các cơ quan cấp bộ rà soát được 6.762/6.762 văn bản, đạt 100%; các địa phương rà soát được 37.614/37.685 văn bản, đạt 99,8%. Qua đó, đã xử lý 5.907 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, chồng chéo, không còn phù hợp.

Riêng đối với văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ toàn bộ 48 văn bản và bãi bỏ một phần 02 văn bản quy phạm pháp luật không còn được áp dụng trên thực tế, nhưng chưa có căn cứ xác định hết hiệu lực.

Báo cáo cũng cho biết, năm 2019 các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã hoàn thành việc hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2 (2014-2018), qua đó xác định đầy đủ, chính xác các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực trong cả nước từ cấp Trung ương đến cấp xã tính đến thời điểm 31/12/2018 (gồm 8.802 văn bản của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, 28.290 văn bản cấp tỉnh, 12.844 văn bản cấp huyện và 11.726 văn bản cấp xã).

Trên cơ sở kết quả hệ thống hóa, các cơ quan đã tích cực, chủ động xử lý, nhất là việc xử lý chấm dứt hiệu lực (bãi bỏ) các văn bản quy phạm pháp luật không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ xác định hết hiệu lực.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Một số cơ quan cấp bộ và địa phương chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản; việc phát hiện, xử lý một số văn bản không còn phù hợp còn chưa kịp thời; việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan chưa được thực hiện một cách thỏa đáng.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Bộ Tư pháp xác định thực hiện nghiêm yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.

Bộ Tư pháp nhấn mạnh kiến nghị, các bộ, cơ quan ngang bộ và HĐND, UBND cấp tỉnh phải xác định việc bảo đảm chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm; Tiếp tục thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản gắn với yêu cầu, giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn; phát hiện, xử lý kịp thời các quy định không còn phù hợp theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo chất lượng rà soát văn bản, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để khắc phục những bất cập, chưa phù hợp với thực tế, góp phần tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác này./.