Lời toà soạn: Thời gian qua, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã đăng tải khá nhiều bài về tích hợp quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định hướng dẫn được ban hành và có hiệu lực, nhưng việc triển khai tích hợp quy hoạch vẫn đang có nhiều vướng mắc, làm chậm trễ tiến độ lập quy hoạch, chậm tiến trình phát triển. Để góp phần vào “tháo gỡ” những vướng mắc, hướng dẫn triển khai tích hợp quy hoạch, Tạp chí Kinh tế và Dự báo xin giới thiệu chùm bài gồm 6 kỳ của TS. Ngô Công Thành, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bài 4: Vài suy nghĩ về tích hợp quy hoạch đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm: đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Đây là quy hoạch được lập lần đầu tiên ở Việt Nam nên không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh và tâm lý e ngại của các chuyên gia tư vấn trong quá trình lập quy hoạch. Bài viết này phân tích các quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP để làm rõ yêu cầu tích hợp quy hoạch trong việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ

Theo quy định tại khoản 1, Điều 22, Luật Quy hoạch năm 2017, nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ, bao gồm: đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

Nội dung cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia quy định tại khoản 2, Điều 22, Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 20, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Để thực hiện tích hợp quy hoạch trong việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Xác định các hợp phần quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia và phân công cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch

Để thực hiện tích hợp quy hoạch đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, khi xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch cần xác định đầy đủ các hợp phần quy hoạch và đề xuất phân công cơ quan, tổ chức lập hợp phần quy hoạch.

Theo khoản 1, Điều 3, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, hợp phần quy hoạch là một nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập để thực hiện tích hợp quy hoạch. Như vậy, việc xác định hợp phần quy hoạch phải căn cứ vào nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được quy định tại khoản 2, Điều 22, Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 20, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Hợp phần quy hoạch có hai thuộc tính cơ bản để phân biệt với các quy hoạch thông thường:

Thứ nhất, hợp phần quy hoạch được lập trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, không phải là quy hoạch mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành hay một quy hoạch khác giống với nội dung hợp phần quy hoạch, nhưng đã được lập trước khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Thứ hai, hợp phần quy hoạch được lập để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia. Thuộc tính này xác định giới hạn về nội dung và phạm vi nghiên cứu của hợp phần quy hoạch phải tương thích với nội dung chính của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo Dự thảo Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc lựa chọn hợp phần quy hoạch trong quá trình xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia phải dựa trên các nguyên tắc:

(i) Hợp phần quy hoạch phải là các nội dung quan trọng, tích hợp từ nhiều nhiệm vụ có tính chất chuyên ngành có đóng góp lớn cho phát triển tổng thể quốc gia;

(ii) Hợp phần quy hoạch phải là các nội dung ngành có tính chất quyết định đến mục tiêu và định hướng quy hoạch quốc gia đòi hỏi phải được thực hiện theo các chuyên ngành riêng;

(iii) Việc xác định tên của hợp phần quy hoạch cần phải dựa vào danh mục các quy hoạch ngành và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành của quốc gia để bảo đảm sự thuận lợi khi triển khai các quy hoạch này;

(iv) Số lượng các hợp phần quy hoạch phải dựa trên cơ sở bảo đảm khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư công, tránh lãng phí; đồng thời, phải tận dụng một cách hiệu quả những đồ án, dự án, đề án quy hoạch của các ngành còn phù hợp trong thời kỳ quy hoạch.

Việc đề ra các nguyên tắc như trên, theo tôi, đã vi phạm khái niệm về hợp phần quy hoạch quy định khoản 1, Điều 3, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, dẫn đến tình trạng có thể có một số nội dung quy hoạch không được lập để “tránh lãng phí”, trong khi một số hợp phần khác không có trong nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đồng thời, phạm vi và nội dung của hợp phần quy hoạch có thể không tương thích với nội dung chính của Quy hoạch do việc xác định tên của hợp phần quy hoạch không căn cứ vào nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia. Do đó, không đảm bảo yêu cầu tích hợp quy hoạch.

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 22, Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 20, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia có thể đề xuất phân công các bộ tổ chức lập các hợp phần. Cụ thể như sau:

- Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức lập các hợp phần: Định hướng phát triển không gian biển; Định hướng sử dụng đất quốc gia; Định hướng phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và quan trắc môi trường quốc gia; Định hướng khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Định hướng khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; Định hướng điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Định hướng bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Bộ Quốc phòng tổ chức lập các hợp phần: Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; Định hướng phát triển hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập hợp phần: Định hướng phân vùng và liên kết vùng.

- Bộ Xây dựng tổ chức lập các hợp phần: Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; Định hướng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lập các hợp phần: Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử; Định hướng phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lập các hợp phần: Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Định hướng phát triển hệ thống du lịch.

- Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lập hợp phần: Định hướng phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lập các hợp phần: Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức lập hợp phần: Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội và hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

- Bộ Y tế tổ chức lập hợp phần: Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở y tế.

- Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Công an tổ chức lập hợp phần: Định hướng phát triển hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh.

- Bộ Tài chính tổ chức lập hợp phần: Định hướng phát triển hệ thống kho dự trữ quốc gia.

- Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập hợp phần: Định hướng phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, gồm: mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, hệ thống cảng hàng không, sân bay, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

- Bộ Công Thương tổ chức lập các hợp phần: Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng, điện lực, dự trữ và cung ứng xăng dầu, khí đốt; Định hướng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản và quặng phóng xạ.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập các hợp phần: Định hướng phát triển hệ thống công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và hệ thống thủy lợi; Định hướng phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Định hướng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Định hướng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Bộ Công an tổ chức lập hợp phần: Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy, có ít nhất 30 hợp phần quy hoạch được lập để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ngoài ra, có thể có các hợp phần quy hoạch về định hướng phát triển lãnh thổ như vùng kinh tế trọng điểm, đô thị đặc biệt hoặc khu vực lãnh thổ đặc biệt tùy theo ý tưởng lập quy hoạch và quyết định của Hội đồng quy hoạch quốc gia.

2. Yêu cầu về tiếp cận tổng hợp khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia

Theo quy trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia quy định tại khoản 1, Điều 16 Luật Quy hoạch năm 2017, sau khi nhiệm vụ lập Quy hoạch được phê duyệt, cơ quan lập Quy hoạch tổng thể quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì phối hợp với các bộ và địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch.

Bước tiếp theo là “các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan lựa chọn tổ chức tư vấn để xây dựng các nội dung quy hoạch được phân công (hợp phần quy hoạch) và tổ chức thẩm định các nội dung này trước khi gửi cơ quan lập quy hoạch”.

Tiếp cận tổng hợp khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

(i) Cơ sở thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thu thập, thống kê ở cùng một thời điểm và được sử dụng chung cho tất cả các cơ quan, tổ chức tham gia lập quy hoạch và lập hợp phần quy hoạch.

(ii) Các nội dung quy hoạch dưới đây phải được phối hợp nghiên cứu, tổng hợp chung để tạo dựng cơ sở cho các cơ quan, tổ chức tiến hành lập hợp phần quy hoạch:

- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển quốc gia, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, các chủ trương, định hướng phát triển lớn, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và các nguồn lực phát triển; xu thế phát triển của khoa học, công nghệ; khu vực quân sự, an ninh cấp quốc gia; khu bảo tồn; khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích; khu vực hạn chế khai thác, sử dụng và khu vực khuyến khích phát triển theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Xác định quan điểm và mục tiêu phát triển, bao gồm các nội dung: quan điểm về phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch; quan điểm về tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm.

- Dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển, gồm các nội dung: dự báo xu thế phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu có tác động đến sự phát triển của quốc gia; dự báo các tình huống có thể xảy ra do tác động của các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia; phân tích lợi thế so sánh và cơ hội phát triển, khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của quốc gia; xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của quốc gia trong thời kỳ quy hoạch; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển quốc gia trong thời kỳ quy hoạch.

- Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, gồm các nội dung: xác định vùng trọng điểm đầu tư, vùng khuyến khích phát triển và vùng hạn chế phát triển, các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, cấm khai thác, sử dụng; định hướng phân bố không gian phát triển các ngành mũi nhọn, các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

3. Yêu cầu về phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia

Một là, từng cơ quan tham gia lập quy hoạch phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình

Chính phủ thực hiện trách nhiệm “Cơ quan tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia” theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trách nhiệm “Cơ quan lập quy hoạch tổng thể quốc gia” theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Các bộ và UBND cấp tỉnh liên quan (nếu có) thực hiện trách nhiệm “Cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch” theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Các cơ quan, tổ chức được bộ, UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm lập hợp phần quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Tổ chức tư vấn lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1, Điều 14, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Tổ chức tư vấn lập hợp phần quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 4, Điều 14, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Hai là, cơ quan lập quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phải xác định rõ yêu cầu đối với từng hợp phần quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia về phạm vi, nội dung của hợp phần

Yêu cầu đối với từng hợp phần phải tương thích với nội dung chính của Quy hoạch tổng thể quốc gia quy định tại Điều 20, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Đồng thời, phải xác định các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực liên quan đến hợp phần quy hoạch (quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư, địa điểm dự kiến đầu tư, nhu cầu sử dụng tài nguyên và đất đai) và thể hiện nội dung hợp phần quy hoạch trên bản đồ.

Hợp phần quy hoạch phải được thẩm định và đảm bảo yêu cầu về chất lượng quy hoạch trước khi gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lồng ghép vào Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ba là, phải có kế hoạch lập quy hoạch chuẩn xác và khả thi

Yêu cầu này đòi hỏi phải xây dựng được kế hoạch lập quy hoạch tổng thể quốc gia phù hợp với điều kiện thực tế, bám sát quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 1, Điều 16, Luật Quy hoạch năm 2017, Điều 9 và Điều 12 của Nghị định 37/2020/NĐ-CP (quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan tham gia vào quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia).

Kế hoạch lập quy hoạch cần tính thời điểm bắt đầu từ khi nhiệm vụ lập quy hoạch được Chính phủ quyết định (tính từ ngày ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia) và quy định các mốc thời gian phải hoàn thành từng nội dung cụ thể của quy hoạch.

Việc tổ chức lập hợp phần quy hoạch trước khi cơ quan lập quy hoạch hoàn thành các nội dung cơ sở để lập quy hoạch (cơ sở lập Quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2, Điều 22, Luật Quy hoạch năm 2017 và được quy định chi tiết tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 20, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP) là không đúng với yêu cầu tích hợp quy hoạch.

Nội dung của Kế hoạch lập quy hoạch cần quy định chi tiết về từng nhiệm vụ, cơ quan chủ trì thực hiện, yêu cầu về tiến độ thực hiện và sản phẩm đầu ra đối với các nhiệm vụ lập quy hoạch được phân công cho cơ quan lập quy hoạch và các cơ quan lập hợp phần quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ và tính khả thi của kế hoạch./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017). Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14, ngày 24/11/2017

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2019). Nghị quyết số751/2019/UBTVQH14, 16/08/2019 Giải thích một số điều của Luật Quy hoạch

3. Chính phủ (2018). Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày, 05/02/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch

4. Chính phủ (2019). Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Dự thảo Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, truy cập từ http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=44493&idcm=140

TS. Ngô Công Thành

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13, tháng 5/2020)