Những thách thức đặt ra

Thách thức về đội ngũ chuyên gia

Trong một thời gian ngắn vừa qua, hầu hết các tỉnh đã trình Hội đồng thẩm định Nhiệm lập quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo như tiến độ hiện nay trong khoảng tháng 04-05/2020, thì hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. Theo khoản 2, Điều 17, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, thì “thời gian lập quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt”. Điều đó sẽ đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, cũng như đội ngũ chuyên gia tư vấn quy hoạch. Bởi, khi triển khai đồng thời trong vòng 24 tháng đối với 63 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ khó huy động được đội ngũ chuyên gia có năng lực, trình độ và thời gian theo đúng điều kiện về năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch.

Hiện nay, tuy đã có rất nhiều các công ty tư vấn nước ngoài và các đơn vị có năng lực trong nước, nhưng điều này cũng đặt ra thách thức vô cùng to lớn đối với chất lượng quy hoạch tỉnh vào thời gian tới.

Thách thức trong lựa chọn chuyên gia tư vấn trong nước hay quốc tế

Đối với chuyên gia tư vấn quốc tế

Trước khi có Luật Quy hoạch năm 2017, một số đơn vị tư vấn quốc tế đã tham gia thực hiện quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội ở một số tỉnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự tham gia của các công ty tư vấn quốc tế hay trong nước khi thực hiện quy hoạch tỉnh hiện nay, đặc biệt là trình tự tham gia đấu thầu rộng rãi quốc tế theo Luật Đấu thầu năm 2013và các thủ tục liên quan đến thanh, quyết toán và quy trình thẩm định kéo dài, nhiều công đoạn cũng là những trở ngại đáng kể đối với các đơn vị tư vấn. Cả tư vấn trong nước và quốc tế đều gặp thách thức khi áp dụng theo Điều 4, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch về điều kiện năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nhất là tư vấn quốc tế.

Để tham gia lập quy hoạch tỉnh, các đơn vị tư vấn phải thực hiện đấu thầu rộng rãi theo Luật Đấu thầu năm 2013. Điểm c, Khoản 1, Điều 15, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định đối với đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng điều kiện: “gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp, mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu”. Theo quy định này, có thể thấy rằng, đối với quy hoạch tỉnh, nhà thầu trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng toàn bộ. Do vậy, việc thực hiện đấu thầu quốc tế sẽ không khả thi, khi đó các nhà thầu tham dự phải là nhà thầu trong nước.

Theo định nghĩa tại Điều 4, Luật Đấu thầu năm 2013, thì“nhà thầu trong nước là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc cá nhân mang quốc tịch Việt Nam tham dự thầu”. Điều đó bắt buộc các công ty tư vấn quốc tế, nếu muốn tham gia thực hiện quy hoạch tỉnh tại Việt Nam, bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam mới có thể tham gia dự thầu.

Nhà thầu quốc tế thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, khi tham gia đấu thầu, phải thực hiện tính toán kê khai chuyên gia thực hiện. Theo Điều 3, Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT, ngày 17/05/2019 (hướng dẫn định mức cho công tác quy hoạch quy định mức chuyên gia tư vấn) được chia thành 4 mức theo Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước) làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước. Như vậy, cho dù chuyên gia rất giỏi người nước ngoài cũng sẽ phải chi trả theo mức tối đa tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH là 40 triệu đồng/người/tháng. Quy định này cũng không nói rõ liệu nhà thầu có được áp dụng mức 1,5 lần trong trường hợp cần thiết hay không? Và, liệu quy hoạch tỉnh có phải là trường hợp cần thiết đối với chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc biệt hay không? Điều đáng lưu ý là mức lương tối đa này quy định, chuyên gia phải có hoặc bằng đại học và ít nhất 15 năm kinh nghiệm hoặc bằng thạc sỹ và ít nhất 8 năm kinh nghiệm. Quá trình thực tiễn làm quy hoạch hiện nay cho thấy, rất nhiều chuyên gia giỏi tốt nghiệp đại học, thạc sỹ thậm chí tiến sỹ từ những trường đại học danh tiếng của nước ngoài, nhưng không đảm bảo số năm kinh nghiệm. Vì thế, cũng sẽ chỉ áp dụng ở những mức lương thấp hơn.

Bên cạnh Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT, thì cũng có văn bản quy phạm pháp luật nữa có điều chỉnh việc thuê chuyên gia nước ngoài. Cụ thể là Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 113/2018/TT-BTC, ngày 15/11/2018 quy định về giá trong hoạt động quy hoạch nêu rõ, khi “cần chuyên gia tư vấn nước ngoài có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm chuyên ngành đặc biệt…”, thì áp dụng Thông tư số 25/2014/TT-BTC, ngày 17/02/2014 quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ. Thông tư số 25/2014/TT-BTC quy định chung cho 2 phương pháp định giá là phương pháp so sánh và phương pháp chi phí. Cả 2 phương pháp này, nếu để áp dụng thực hiện mức tiền lương hoặc tiền công chuyên gia tư vấn cho hoạt động quy hoạch, sẽ rất khó tìm kiếm căn cứ xác định. Còn theo Khoản 2, Điều 3, Thông tư số 113/2018/TT-BTC, ngày 15/11/2018 về giá trong hoạt động quy hoạch quy định “cơ quan lập quy hoạch, cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch… có trách nhiệm quyết định giá trong hoạt động quy hoạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quy hoạch được giao.”

Có thể nói, những căn cứ chưa được chặt chẽ như trên, rất khó để cơ quan lập quy hoạch, cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch tỉnh quyết định một mức giá cho chi phí thuê chuyên gia tư vấn ngoài các quy định có sẵn tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH.

Đối với các công ty quốc tế, ngoài việc có đội ngũ chuyên gia nhiều lĩnh vực, sử dụng kinh nghiệm kiến thức từ rất nhiều nơi trên thế giới, còn có những hoạt động liên quan đến xúc tiến đầu tư, thu hút kêu gọi đầu tư để thực hiện quy hoạch. Điều này thực sự là một thách thức khi so sánh với các công ty tư vấn trong nước.

Đối với chuyên gia tư vấn trong nước

Một lợi thế của các đơn vị tư vấn trong nước là có thể huy động nguồn chuyên gia phong phú. Các đơn vị trong nước cũng có ưu thế khi hiểu được phương pháp, văn hóa làm việc của Việt Nam. Nhiều vấn đề cũng có thể xử lý một cách hài hòa hơn so với tư vấn quốc tế. Nhưng ngược lại, tư vấn trong nước khó có thể áp dụng những phương pháp lập quy hoạch hiện đại, vận dụng những chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế, nhất là khả năng thu hút, xúc tiến đầu tư thực hiện những dự án lớn, quan trọng trên địa bàn tỉnh ở phạm vi quốc tế.

Các thách thức đối với đơn vị tư vấn quy hoạch tỉnh

Căn cứ vào Thuyết minh Nhiệm vụ lập quy hoạch có thể thấy rằng, ngoài những vấn đề chung nhất, mà một bản quy hoạch cần, thì còn có các tích hợp quy hoạch. Do đó, khi thực hiện, sẽ xảy ra 2 cách thức thực hiện, đó là:

(1) Đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ thực hiện toàn bộ quy hoạch tỉnh, bao gồm phần hoạt động trực tiếp, gián tiếp và hợp phần quy hoạch. Điều này có ưu điểm là thống nhất từ đầu đến cuối các số liệu dữ liệu. Đơn vị tư vấn cũng định hình được tổng thể toàn bộ những vấn đề, những nội dung được đưa vào quy hoạch một cách nhất quán, đồng bộ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quy hoạch tỉnh, theo yêu cầu hiện nay, là tổng hòa toàn bộ các yếu tố phát triển, sắp xếp bố trí không gian ở hầu hết mọi lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Điều đó đòi hỏi đơn vị tư vấn phải có đủ nguồn lực, chuyên gia ở mọi lĩnh vực để có thể triển khai thực hiện.

Hơn nữa, khi đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự thầu, thì cần phải chứng minh đội ngũ chuyên gia đủ để thực hiện toàn bộ những nội dung quy định nêu trên, bao gồm: tên chuyên gia, số ngày công thực hiện, nội dung thực hiện, kinh phí thực hiện… Việc xây dựng hồ sơ dự thầu và nếu trúng thầu thanh quyết toán kinh phí cho những hạng mục lớn là một thách thức lớn đối với đơn vị tư vấn quy hoạch, bởi vì ngoài chuyên môn quy hoạch, thì cần có đội ngũ chuyên viên về kế toán, tài chính, đấu thầu có trình độ chuyên môn.

(2) Chủ đầu tư sẽ chia thành nhiều gói thầu theo những lĩnh vực đã được tính toán trong Nhiệm vụ lập quy hoạch, đặc biệt là các hợp phần tích hợp. Khi đó, sẽ có nhiều các hợp phần nhỏ được thực hiện bởi nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức khác nhau. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với đơn vị tổng hợp toàn bộ các nội dung đó. Bởi lẽ, những tích hợp quy hoạch cần được triển khai ở mỗi ngành, huyện, với nhiều phương pháp thực hiện, nghiên cứu, số liệu, dữ liệu, văn phong… khác nhau (theo Ngô Công Thành (2020), tỉnh ít nhất là 25 quy hoạch, mà nhiều cũng có thể lên đến 55 quy hoạch cần tích hợp). Nếu đơn thuần là việc ghép cơ học các hợp phần đó lại, thì lại không thể hiện rõ tính tổng thể, nhất quán và hiệu quả của quy hoạch.

Thách thức về phương pháp lập quy hoạch

Đổi mới cách thức lập quy hoạch đồng nghĩa với thay đổi phương pháp. Trong các phương pháp, mà tư vấn thực hiện quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017, sẽ thấy một số phương pháp đang thực hiện được trình bày cụ thể sau đây:

Một là, phương pháp tích hợp quy hoạch

Theo Luật Quy hoạch năm 2017, thì “Tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”. Điều đó có nghĩa các ngành khác có liên quan cần phải được nghiên cứu, dự báo và đề xuất các giải pháp, phương án phát triển đồng bộ cùng với quy hoạch tỉnh. Đây là thách thức rất lớn khi triển khai thực hiện tại tỉnh, bởi lẽ tính đồng bộ của các ngành là một yếu tố khó khả thi. Ví dụ, đối với quy hoạch sử dụng đất, khoản 7, Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP/2019/NĐ-CP quy định “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện”. Tuy nhiên, Điều 45, Luật Đất đai 2013 lại quy định rằng, Quốc hội phê duyệt Quy hoạch đất Quốc gia, Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Hiện nay, hầu hết các tỉnh hiện nay đang thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020, do vậy để có Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đồng bộ với tích hợp quy hoạch sẽ khó khả thi. Hơn nữa, những vấn đề đó phải do chuyên gia của lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc tỉnh tiến hành đo đạc, phân loại và định hướng sử dụng đất trên cơ sở phối hợp với các phương án tăng trưởng, dự báo các ngành lĩnh vực phát triển để thu hồi, chuyển đổi theo Luật Đất đai. Khối lượng công việc này rất lớn, khó hoàn thành trong vòng 2 năm, để kịp tiến độ thời gian với Nhiệm vụ lập quy hoạch.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác rất khó thực hiện đồng bộ. Cụ thể như trường hợp Quy hoạch tỉnh Quảng Bình, để phát triển vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, nếu muốn làm cáp treo, thì sẽ ảnh hưởng đến Di sản. Do đó, khi đặt ra vấn đề này, tư vấn phải làm việc với UNESCO để đảm bảo ranh giới và phạm vi được thực hiện.

Hai là, phương pháp dự báo

Quy hoạch tỉnh cần được dự báo một số mục tiêu trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 phải đảm bảo tính khả thi, khoa học. Khi thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch, các báo cáo đánh giá các quy hoạch thời kỳ trước đều cho thấy, các chỉ tiêu và mục tiêu tăng trưởng đều không sát với thực tế. Phương pháp dự báo trước đây của các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thường dựa trên mô hình tuyến tính của thời kỳ trước có xét đến một số mối tương quan và mô hình hồi quy đơn giản theo hàm Harrod - Domar. Bản thân mô hình này về mặt lý thuyết kinh tế cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót về dữ liệu hoặc tăng trưởng không phải quá phụ thuộc vào yếu tố vốn đầu tư.

Một phương pháp khác dự báo mục tiêu tăng trưởng dựa trên dự báo sự đóng góp của các ngành quan trọng. Khi đó, đơn vị tư vấn dựa trên dự báo về thị trường quốc tế, thị trường trong nước và những yếu tố sẽ được đầu tư phát triển trong thời kỳ quy hoạch để tìm ra những số liệu, dữ liệu dự báo.

Phương pháp trên kết hợp với sử dụng bộ lọc và phân tích quốc tế. Đơn vị tư vấn đã xác định các ngành/tiểu ngành ưu tiên phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế nhằm tìm ra những tiểu ngành có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, quy mô thị trường. Đơn vị tư vấn sử dụng dữ liệu lớn, mang tính toàn cầu để dự báo. Ví dụ, khi thực hiện lập Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Bình, đơn vị tư vấn đã sử dụng bộ lọc ngành ưu tiên với các chỉ tiêu về cạnh tranh chi phí và phù hợp với thế mạnh của ngành, cũng như đánh giá quy mô thị trường toàn cầu và các thị trường chính. Các ngành thuộc góc phần tư thứ hai được lựa chọn là các ngành tiềm năng và tiếp tục được đưa qua bộ lọc theo phương pháp chuyên gia. Ví dụ phương pháp xác định ngành ưu tiên sử dụng bộ lọc lần 1 (Hình 1).

Hình 1: Xác định sơ bộ các tiểu ngành ưu tiên

Nguồn: Công ty tư vấn[1]

Từ việc tìm ra các lợi thế, đơn vị tư vấn xác định các thị trường quốc tế, trong nước lợi thế, mà ngành đang mang lại cho tỉnh, tiềm năng để sàng lọc, xếp hạng lựa chọn những tiểu ngành ưu tiên. Các ngành ưu tiên, sau khi được sàng lọc qua bộ lọc thứ nhất, sẽ được tiếp tục đưa vào bộ lọc theo phương pháp chuyên gia, đánh giá tác động thông qua mô hình và các tiêu chí để tìm ra những ngành phù hợp nhất, hiệu quả nhất như trường hợp tại tỉnh Nghệ An (Hình 2).

Hình 2: Thu hẹp danh sách các phân ngành tại Nghệ An theo từng bộ lọc

Nguồn: Công ty tư vấn

Ba là, phương pháp đối chiếu với chuẩn mực quốc tế

Một trong những phương pháp để xây dựng các mục tiêu hoặc hợp phần của quy hoạch là so sánh và áp dụng những chuẩn mực hoặc những bài học quốc tế. Việc so sánh và áp dụng những bài học đó trong tương lai của những lĩnh vực của quy hoạch tỉnh, sẽ rất có ích khi xây dựng luận chứng để giải quyết bài toán phát triển.

Ngoài ra, còn có một số các phương pháp khác được sử dụng, như: phương pháp chuyên gia, GIS, tổng hợp, phân tích…

Trong bối cảnh mới thực hiện quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017 sẽ đòi hỏi đổi mới phương pháp theo hướng hiện đại, khoa học… hơn so với thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trước đây.

Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện

Về nội dung an ninh quốc phòng

Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP/2019/NĐ-CP không yêu cầu nội dung về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lập quy hoạch trước đây, thì đây là một trong những nội dung cần có. Cụ thể, khoản 2, Điều 32, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP về việc lấy ý kiến về quy hoạch tỉnh cũng đã nêu rõ: “Ttrường hợp quy hoạch có liên quan tới biên giới, hải đảo, vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, cơ quan lập quy hoạch phải thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về nội dung quy hoạch trước khi gửi lấy ý kiến về quy hoạch”. Điều đó cho thấy, nội dung về quốc phòng an ninh cần phải được quy định trong nội dung của quy hoạch tỉnh.

Về nội dung liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất

Theo Điều 6 - Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại Luật số 35/2018/QH14, ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, thì căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước tiên là quy hoạch tỉnh (cụ thể là theo Điều 40, Luật Đất đai), tức là từ quy hoạch tỉnh để tìm ra định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh, các ngành, lĩnh vực… để xác định nhu cầu và căn cứ xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Điều này rất logic. Tuy nhiên, khoản 7, Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP lại quy định việc lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo từng loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Vậy, điều này có trùng lắp các nội dung với Điều 40 Luật Đất đai hay không? Và, như vậy sẽ phải thực hiện quy hoạch tỉnh trước hay thực hiện theo Điều 40, Luật Đất đai trước? Vấn đề này cần có sự giải thích thấu đáo của các cơ quan quản lý nhà nước để giúp cho chủ đầu tư, cũng như các đơn vị tư vấn thực hiện nội dung rất phức tạp này.

Về giải thích một số những thuật ngữ, nội dung

Trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh, nhiều nội dung được quy định trong Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP cần được giải thích một cách rõ ràng để các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư căn cứ thực hiện. Ví dụ như điểm c, khoản 1, Điều 28 quy định “các yếu tố, điều kiện của vùng, quốc gia, quốc tế tác động đến phát triển tỉnh”. Câu hỏi đặt ra là sẽ phân tích các yếu tố đó của giai đoạn trước đây hay giai đoạn dự báo sau này? Bởi, các yếu tố quốc tế, quốc gia ảnh hưởng đến tỉnh cũng có thể thay đổi từ quá khứ đến tương lai. Tư vấn thường hiểu rằng, những vấn đề nêu tại khoản 1 sẽ là phân tích các yếu tố liên quan đến thực trạng. Vậy, những phân tích nội dung này ở thời kỳ quy hoạch sẽ được để ở đâu?

Hoặc tại điểm a, khoản 2 của Điều 28 quy định đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung “khả năng huy động nguồn lực”. Nguồn lực ở đây được hiểu là gì? Và, khả năng huy động đó là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai? Ngoài ra, còn rất nhiều thuật ngữ, nội dung quy định tại Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP cần được giải thích và hướng dẫn cụ thể hơn.

Về chi phí quản lý dự án

Một vấn đề cần lưu ý khi lập dự toán là chi phí quản lý dự án của chủ đầu tư. Khoản 2, Điều 25, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, ngày 06/04/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, thì “Chi phí quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch thực hiện theo quy định về chi phí quản lý dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng”. Pháp luật về xây dựng quy định chi phí quản lý dự án theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, ngày 14/08/2019 về quản chi phí đầu tư xây dựng. Cụ thể, Điều 21, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP quy định “Chi phí quản lý dự án xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng ban hành hoặc bằng dự toán phù hợp với hình thức tổ chức quản lý dự án, thời gian thực hiện dự án, quy mô và đặc điểm công việc quản lý dự án”. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 16/2019/TT-BXD, ngày 26/12/2019 hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng. Cụ thể, Điều 5, Chương 2 của Thông tư này quy định “Chi phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư xác định theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) (ban hành tại bảng số 1.1 của Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này) nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa có thuế giá trị gia tăng) trong tổng mức đầu tư của dự án”. Các thông số được thể hiện ở Bảng.

Bảng: Định mức chi phí quản lý dự án

Đơn vị tính: %

Nguồn: Thông tư số 16/2019/TT-BXD

Ở đây sẽ xảy ra 2 tình huống để có thể vận dụng:

- Dự án quy hoạch tỉnh sẽ áp dụng loại công trình nào trong 5 loại công trình trên?

- Nếu dự án có một chủ đầu tư, thì chi phí quản lý dự án sẽ bằng tổng mức đầu tư sẽ nhân với tỷ lệ % quy định. Nhưng, nếu do nhiều chủ đầu tư như phân tích ở trên, thì chi phí quản lý dự án sẽ xử lý như thế nào?

Kết luận

Những phân tích trên đây cho thấy, còn rất nhiều những vấn đề cần xử lý, hiểu rõ hơn và sâu sắc hơn trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng dự toán, thẩm định; lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, cũng như lập quy hoạch tỉnh sau này. Những vấn đề đó cần được nghiên cứu và phát hiện trong thực tiễn triển khai Luật Quy hoạch năm 2017.

Đối với nội dung quy hoạch tỉnh trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND các tỉnh và đặc biệt sự tham gia của các nhà khoa học, đơn vị tư vấn nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 được xây dựng, thẩm định và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả trước hết cho tỉnh, cũng như đạt được những yêu cầu, mà Luật Quy hoạch năm 2017 đặt ra./.

TS. Nguyễn Thế Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 14 tháng 05/2020)

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2017). Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14, ngày 24/11/2017

2. Quốc hội (2018). Luật số 35/2018/QH14, ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch

3. Chính phủ (2019). Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch

4. Chính phủ (2020). Nghị định số 40/2020/NĐ-CP, ngày 06/04/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công

5. Ngô Công Thành (2020). Nhận thức đúng về tích hợp quy hoạch, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 8, tháng 03/2020

6. Công ty tư vấn – Học viện Chính sách và Phát triển (2020). Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

7. Công ty tư vấn – Học viện Chính sách và Phát triển (2020). Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (phần kinh tế - xã hội)

8. Học viện Chính sách và Phát triển (2020). Thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Phú Yên, Nghệ An



[1] Vì lý do riêng từ công ty tư vấn quốc tế, các trích dẫn từ công ty tư vấn quốc tế sẽ không nêu tên cụ thể