Theo Bộ Tài chính, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội khoá XIV thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trong đó Mục 2 Chương III quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Luật Chứng khoán năm 2019 mới chỉ quy định các nguyên tắc, nội dung có tính định khung về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 41 về nội dung quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Nghị định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng để trình Chính phủ xem xét, ban hành là rất cần thiết.

Mục đích xây dựng Nghị định là để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng văn bản quy định chi tiết về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, mà Luật Chứng khoán đã giao và khắc phục các vướng mắc trong quá trình thi hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP, ngày 06/6/2017 do Chính phủ ban hành hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng nhằm hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty đối với công ty đại chúng góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty và nâng cao tính công khai minh bạch đối với các công ty đại chúng.

Thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng nhiều nhất là 11 người

Theo dự thảo, số lượng thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng ít nhất là 3 người và nhiều nhất là 11 người.

Cơ cấu hội đồng quản trị của công ty đại chúng phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên không điều hành.

Thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng ít nhất là 3 người và nhiều nhất là 11 người. Ảnh: Internet

Trường hợp công ty đại chúng chưa niêm yết hoạt động theo mô hình quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp, cơ cấu thành viên hội đồng quản trị của công ty phải đảm bảo ít nhất 1/5 tổng số thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập. Trường hợp số thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng có ít hơn 5 người, công ty phải đảm bảo có 1 thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

Cơ cấu thành viên hội đồng quản trị của công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

Thành viên hội đồng quản trị có quyền được cung cấp các thông tin về hoạt động kinh doanh của công ty

Dự thảo cũng quy đinh, thành viên hội đồng quản trị có đầy đủ các quyền theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, pháp luật liên quan và điều lệ công ty, trong đó có quyền được cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty và của các đơn vị trong công ty.

Thành viên hội đồng quản trị có trách nhiệm theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty và các trách nhiệm sau: Thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách trung thực, cẩn trọng vì lợi ích cao nhất của cổ đông và của công ty; dự đầy đủ các cuộc họp của hội đồng quản trị và có ý kiến về các vấn đề được đưa ra thảo luận; Báo cáo kịp thời, đầy đủ với hội đồng quản trị các khoản thù lao nhận được từ các công ty con, công ty liên kết và các tổ chức khác.

Đồng thời, báo cáo hội đồng quản trị các giao dịch giữa công ty, công ty con, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát trên 50% trở lên vốn điều lệ với thành viên hội đồng quản trị và những người có liên quan của thành viên đó; giao dịch giữa công ty với công ty trong đó thành viên hội đồng quản trị là thành viên sáng lập hoặc là người quản lý doanh nghiệp trong thời gian ba 3 năm gần nhất trước thời điểm giao dịch; Thực hiện công bố thông tin khi thực hiện giao dịch cổ phiếu của công ty theo quy định của pháp luật...

Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước cổ đông về hoạt động của công ty

Hội đồng quản trị phải tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty và các trách nhiệm, nghĩa vụ, như: Chịu trách nhiệm trước cổ đông về hoạt động của công ty; Đối xử bình đẳng đối với tất cả cổ đông và tôn trọng lợi ích của người có quyền lợi liên quan đến công ty; Đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định của pháp luật, điều lệ và quy định nội bộ của công ty.

Bên cạnh đó, xây dựng quy chế hoạt động của hội đồng quản trị trình đại hội đồng cổ đông thông qua và công bố trên trang thông tin điện tử của công ty; Giám sát và ngăn ngừa xung đột lợi ích của các thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc) và người quản lý khác, bao gồm việc sử dụng tài sản công ty sai mục đích và lạm dụng các giao dịch với bên liên quan.../.