Dự thảo nêu rõ, đối với giảng viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế cần có bằng tốt nghiệp đại học hoặc đại học chuyên ngành sư phạm kỹ thuật trở lên, chuyên ngành phù hợp với nghề giảng dạy; có trình độ ngoại ngữ thông dụng tối thiểu Bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ quốc gia hoặc tương đương; có trình độ tin học C hoặc đạt yêu cầu về kỹ năng tin học quốc tế theo chuẩn IC3 và ứng dụng được công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Đồng thời, phải nắm vững kiến thức nghề được phân công giảng dạy; có kiến thức về nghề liên quan; hiểu biết về thực tiễn sản xuất và những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới của nghề.

Về trình độ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, thời gian tham gia giảng dạy, giảng viên dạy nghề trọng điểm cần có những yêu cầu cơ bản về bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm kỹ thuật hoặc cao đẳng chuyên ngành sư phạm kỹ thuật hoặc có chứng chỉ sư phạm dạy nghề phù hợp với cấp trình độ đào tạo hoặc tương đương, có thời gian tham gia giảng dạy ít nhất 6 tháng đối với giáo viên dạy trình độ sơ cấp nghề, 12 tháng đối với giáo viên dạy trình độ trung cấp nghề, giảng viên dạy trình độ cao đẳng nghề. Ngoài ra, cần có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm quốc tế hoặc khu vực ASEAN do nước chuyển giao chương trình quy định đủ điều kiện giảng dạy chương trình tương ứng và kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 5 năm.

Trước đó, ngày 23/5/2014, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Theo đó, Trường nghề chất lượng cao phải có quy mô đào tạo trên 2.000 học sinh, sinh viên hệ trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trong đó có ít nhất có 30% học sinh, sinh viên học nghề trọng điểm. Sau đào tạo, có ít nhất 80% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề được đào tạo trong vòng sáu tháng kể từ khi tốt nghiệp, trong đó các nghề trọng điểm đạt ít nhất là 90%. Riêng đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý cũng phải được nâng cấp toàn diện để đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo.

Do vậy, những tiêu chí đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề, đặc biệt là nghề trọng điểm được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo lần này là cần thiết để Việt Nam đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2020./.