Kế hoạch nhằm mục đích tổ chức thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg, ngày 6/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện cam kết tại Hiệp định.

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020

Để thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Hiệp định, Kế hoạch nhấn mạnh 4 nhóm hoạt động cơ bản:

Một là, tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định và tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, các đơn vị phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn để giới thiệu, phổ biến cho công chức, cán bộ các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan quản lý nhà nước liên quan về nội dung và ý nghĩa của Hiệp định, đặc biệt là các quy định liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tổ chức hội nghị, hội thảo để phổ biến, giới thiệu và trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn và các đối tượng liên quan về nội dung cam kết liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh…

Hai là, hướng dẫn thực hiện và áp dụng cam kết của Việt Nam theo quy định của Hiệp định. Cụ thể là giải đáp, hướng dẫn thực hiện, áp dụng trực tiếp cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và các cam kết có liên quan đảm bảo áp dụng thống nhất, đồng bộ với cam kết tương ứng theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định.

Ba là, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chính sách thực thi Hiệp định; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Các hoạt động bao gồm: xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2020/NĐ-CP, ngày 24/8/2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020; đơn giản hóa, minh bạch hóa điều kiện gia nhập thị trường chodoanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng lợi ích của Hiệp định, thông qua nghiên cứu các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; nghiên cứu xây dựng kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế để thích ứng với quá trình hội nhập và khai thác có hiệu quả lợi ích, cơ hội từ EVFTA và các FTA khác mà Việt Nam tham gia, ký kết. Mặt khác, tiến hành đánh giá định lượng những tác động của EVFTA đối với các ngành sản xuất, cung cấp dịch vụ để từ đó đề xuất các biện pháp cụ thể trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành này. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo kinh tế và cảnh báo sớm trong lĩnh vực thương mại để có biện pháp thích ứng cần thiết trong bối cảnh quan hệ thương mại quốc tế có nhiều biến động…/.