Theo một chia sẻ của ông Vũ Ngọc Phương, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng thì Nghị định 68/2019/NĐ-CP có 15 điểm mới so với văn bản trước đó là Nghị định số 32/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó đáng chú ý nhất là mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP. Tiếp đến là quy định về nguyên tắc quản lý chi phí dự án, khi bổ sung thêm quy định về công trình đặc thù, hay thuộc bí mật quốc phòng, làm cơ sở xác định giá trị tài sản công đối với các dự án loại này. Nghị định 68 cũng thay đổi cơ cấu chi phí trong tổng mức đầu tư và dự toán xây dựng, đây là một trong những thay đổi rất đáng chú ý, trong đó bổ sung chi phí gián tiếp trong cơ cấu chi phí xây dựng. Sau khi Nghị định 68 ra đời, Bộ Xây dựng đã ban hành 10 thông tư hướng dẫn Nghị định, nhưng các văn bản này khi thực thi trong thực tiễn gặp nhiều điểm vướng mắc, không phù hợp, cần một sự thay đổi ở cấp nghị định để phù hợp hơn với thực tiễn thi hành.

Theo dự thảo Nghị định thay thế, Chính phủ quy định cụ thể các chi phí của tổng mức đầu tư xây dựng gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xây dựng; thiết bị; quản lý dự án; dự phòng và chi phí khác. Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định; các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; tái định cư; tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; sử dụng đất, thuê đất trong thời gian xây dựng; chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng phục vụ giải phóng mặt bằng và các chi phí có liên quan khác.

Chi phí xây dựng gồm xây dựng các công trình, hạng mục công trình của dự án; công trình, hạng mục công trình xây dựng tạm, phụ trợ phục vụ thi công; chi phí phá dỡ các công trình xây dựng không thuộc phạm vi của công tác phá dỡ giải phóng mặt bằng đã được xác định trong chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Chi phí thiết bị gồm mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ; quản lý mua sắm thiết bị; mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ của dự án; đào tạo và chuyển giao công nghệ; gia công, chế tạo thiết bị cần gia công, chế tạo; lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chạy thử nghiệm thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật; vận chuyển, bảo hiểm; thuế và các loại phí, chi phí liên quan khác.

Chi phí quản lý dự án là chi phí cần thiết để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng.

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là chi phí cần thiết để thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã phê duyệt là chi phí tối đa để thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng và chỉ được điều chỉnh khi thay đổi về phạm vi công việc, điều kiện và tiến độ thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng.

Chi phí dự phòng gồm dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.

Dự thảo Nghị định cũng quy định, Nhà nước sẽ ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quy định các công cụ cần thiết để chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan áp dụng, tham khảo trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm, định mức xây dựng; giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng; giá vật liệu xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, đơn giá nhân công xây dựng; cơ sở dữ liệu về chi phí đầu tư xây dựng các dự án, công trình xây dựng; các phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình./.