Kiến nghị nới room ngân hàng lên 40-49%, mở rộng khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp

Kiến nghị đầu tiên của Nhóm công tác thị trường vốn là về ngành nghề quy định hạn chế sở hữu nước ngoài. Theo đó, đối với ngành nghề mà điều ước quốc tế/pháp luật không hạn chế sở hữu nước ngoài, Nhóm đề xuất áp dụng tỷ lệ sở hữu 100% so với tỷ lệ hiện tại là 49%. Cùng với đó, nên cho phép các công ty được quyết định/giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong vốn điều lệ. Nhóm công tác cũng cho rằng, điều kiện để một tổ chức kinh tế được coi là nhà đầu tư nước ngoài cần được làm rõ theo hướng, khi tổ chức có trên 50% vốn nước ngoài trong ít nhất 180 ngày trong 1 năm và có 35% vốn điều lệ thuộc sở hữu của 1 nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan.

Nhóm kiến nghị cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mở tài khoản tổng và các tài khoản phụ dưới tài khoản tổng cho các danh mục đầu tư riêng biệt

Nhóm công tác cũng nêu kiến nghị rằng, các công ty chứng khoán khi cung cấp dịch vụ chứng khoán và công ty quản lý quỹ khi quản lý danh mục đầu tư không bị xem là “nhà đầu tư nước ngoài”, bất kể công ty đó có tỷ lệ sở hữu vốn ngoại lớn hơn hay nhỏ hơn 50%. Theo quy định hiện hành, khối công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán là loại hình doanh nghiệp nhà đầu tư ngoại được đầu tư không hạn chế. Theo đó, ở Việt Nam hiện có khoảng 10 công ty chứng khoán có vốn 100% nước ngoài.

Về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng, Nhóm một lần nữa nêu kiến nghị nên nới lên mức mới, cụ thể là 40-49%, thay vì 30% như hiện nay. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước không cần kiểm soát đặc biệt, để tăng số lượng cổ phần lưu hành trên TTCK.

Liên quan đến nhà đầu tư, Nhóm công tác đề xuất cần mở rộng khái niệm “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” để tạo điều kiện cho các công ty holding, các tổ chức có mục đích đặc thù, các nhà đầu tư chứng khoán theo quy định pháp luật nước ngoài được xem là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” theo pháp luật Việt Nam. Nhóm cũng kiến nghị cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mở tài khoản tổng và các tài khoản phụ dưới tài khoản tổng cho các danh mục đầu tư riêng biệt.

Kiến nghị làm rõ giao dịch trong ngày, khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến phát thải nhà kính

Một kiến nghị đáng chú ý nữa là nhà quản lý cần làm rõ giao dịch chứng khoán trong ngày và giao dịch chứng khoán chờ về, đặc biệt là cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện các giao dịch này. Bên cạnh đó, một lần nữa Nhóm kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể việc niêm yết của các doanh nghiệp FDI trên TTCK Việt Nam.

Đại diện nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị cần nghiên cứu các biện pháp đánh giá, quản trị rủi ro quốc gia về biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính

Liên quan đến Luật Chứng khoán mới, có hiệu lực từ 1/1/2021, Nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, cần xem xét lại quy định yêu cầu công ty đại chúng phải giao dịch trên sàn UPCoM tối thiểu 2 năm trước khi đăng ký niêm yết trên Sở GDCK. Được biết, nhà quản lý ban hành quy định này là để chặn tình trạng doanh nghiệp tư nhân tự mở rộng cổ đông, tăng vốn điều lệ rồi lên niêm yết khi chưa trải qua những bước tập dượt về quy định pháp lý trên sàn chứng khoán. Riêng các doanh nghiệp phát hành chứng khoán ra công chúng và trở thành đại chúng theo cách này thì Luật Chứng khoán lại ràng buộc nghĩa vụ doanh nghiệp phải niêm yết sau khi phát hành.

Đánh giá chung về thị trường vốn Việt Nam, ông Dominic Scriven cho rằng, tín hiệu tích cực là chi phí vốn đã có sự cải thiện mạnh mẽ khi hiện nay, Kho bạc Nhà nước có thể huy động trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm với lãi suất chỉ khoảng 3%/năm. Đây là điều 5 năm trước đây không thể nghĩ tới. Ông Dominic cũng đánh giá, hoạt động công bố thông tin, chất lượng quản trị của nhiều doanh nghiệp có sự cải thiện. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ với hơn 200 tỷ USD vốn hóa, gần 3 triệu tài khoản, giá trị giao dịch trên các thị trường mới đạt khoảng 1 tỷ USD/ngày.

Bên cạnh việc đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… làm rõ chính sách và gỡ vướng chính sách mà Nhóm công tác thị trường vốn nêu lên, ông Dominic còn đề xuất Chính phủ Việt Nam cần giám sát chặt hơn các cơ sở buôn bán động vật hoang dã để đảm bảo cân bằng sinh thái và đây cũng là một nguồn gốc dịch bệnh. Đồng thời, cần nghiên cứu các biện pháp đánh giá, quản trị rủi ro quốc gia về biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính, sớm có biện pháp khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp công bố thông tin về phát thải CO2 hàng năm.

Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, trái đất đang đứng trước bi kịch chung khi môi trường tự nhiên bị hủy hoại và những chủ thể tạo ra GDP cho các nền kinh tế, cụ thể là các doanh nghiệp, doanh nhân, chưa có công cụ để đo lường ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh đến môi trường sống, đến biến đổi khí hậu hay sự đa dạng của thiên nhiên. Trong một cuộc trao đổi với các doanh nghiệp niêm yết đầu tháng 12 vừa qua, ông Dominic đã ví trái đất như một công ty, trong đó GDP hàng năm là báo cáo kết quả kinh doanh, nhưng trái đất lại chưa từng có báo cáo về bảng cân đối kế toán. Theo một ước tính của Liên Hợp quốc cách đây 6 năm, giá trị của những tài sản thuộc về tự nhiên đóng góp vào việc tạo ra GDP vào khoảng 125.000 tỷ USD. Hiện nay, giá trị này được đánh giá trên dưới 100.000 tỷ USD. Ý thức được tầm quan trọng của các nhân tố thuộc về tự nhiên, ngày càng nhiều nhà đầu tư tài chính lớn trên thế giới thay đổi cách phân tích trong hoạt động đầu tư. Theo đó, bên cạnh việc dựa vào các chỉ số tài chính của doanh nghiệp, các quỹ đầu tư ngày càng quan tâm đến các chỉ số phi tài chính, hay còn gọi là yếu tố mới. Bên cạnh vấn đề cải thiện chính sách, môi trường đầu tư, bản thân các doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ khẩu vị của nhà đầu tư chuyên nghiệp, xây dựng phương án phát triển hài hòa với môi trường, mới có thể tiếp tục thu hút vốn đầu tư./.