Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Internet.

Đây là một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức Nhà nước; Hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này; Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đào tạo đội ngũ giảng viên nghiên cứu về an toàn thông tin ở nước ngoài cho các cơ sở giáo dục đại học; đào tạo thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin trong nước; Đào tạo kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, cá nhân và đào tạo an toàn thông tin theo cơ chế xã hội hóa.

Mục tiêu cụ thể là tổ chức 6.000 lượt đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin của người dùng cho các công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin khi làm việc của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nhà nước; lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về an toàn thông tin ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ; đào tạo 5.000 thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin...

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án là đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin theo hình thức tập trung, trực tuyến hoặc kết hợp giữa tập trung và trực tuyến về an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này.

Nội dung đào tạo gồm: (1) Quản lý, nghiệp vụ và kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý;

(2) Cập nhật, nâng cao kỹ năng kỹ thuật an toàn thông tin cho đội ngũ nhân lực kỹ thuật làm về an toàn thông tin và công nghệ thông tin theo chuẩn, khung chương trình, yêu cầu kỹ năng an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, hướng dẫn, các chương trình đào tạo theo các chứng chỉ quốc tế và thi lấy chứng chỉ quốc tế;

(3) Kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin của người dùng cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin;

(4) Kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin cho đội ngũ nhân lực ký thuật an toàn thông tin và công nghệ thông tin của các đơn vị thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Chú trọng các chương trình đào tạo theo chuẩn kỹ năng, khung chương trình, yêu cầu an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, hướng dẫn và các chương trình đào tạo theo các chứng chỉ quốc tế và thi lấy chứng chỉ quốc tế.

Xây dựng hệ thống, chương trình, tài liệu để phục vụ kiểm tra, đánh giá năng lực an toàn thông tin trong quá trình đào tạo. Lựa chọn một số cán bộ có kết quả học tập tốt để tham gia thi lấy các chứng chỉ quốc tế.

Nhiệm vụ, giải pháp khác là chuẩn hóa kỹ năng an toàn thông tin trong các cơ quan, tổ chức. Cụ thể, xây dựng, ban hành quy định chuẩn kỹ năng về an toàn thông tin, tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin và công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực an toàn thông tin trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; hướng dẫn, phối hợp tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực an toàn thông tin đối với cán bộ kỹ thuật, quản lý về an toàn thông tin và công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức.

Đưa nội dung đào tạo về an toàn thông tin vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xếp hoặc nâng ngạch bậc cho tất cả các vị trí việc làm và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ trong cơ quan nhà nước./.