Luật Quy hoạch năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, đã tạo dựng hệ thống quy hoạch quốc gia thống nhất, góp phần thay đổi cơ bản tư duy, phương pháp và nội dung hoạt động quy hoạch theo hướng phù hợp hơn với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, gắn kết chặt chẽ hơn chu trình chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư, tăng cường sự liên kết phát triển, đặc biệt là liên kết vùng, thúc đẩy các mục tiêu phát triển đất nước.

Sau khi hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021-2030 được xây dựng xong, định hướng phát triển, không gian phát triển và nguồn lực phát triển sẽ được tích hợp và thực hiện thống nhất

NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Hoàn thiện hành lang pháp luật về quy hoạch

Trước khi Luật Quy hoạch ra đời, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch gồm có 53 luật, 07 pháp lệnh, 62 nghị định (không kể các văn bản luật, pháp lệnh và nghị định được điều chỉnh, bổ sung), ngoài ra còn có một số luật, pháp lệnh và nghị định có quy định về chấp hành, thực hiện theo quy hoạch.

Luật Quy hoạch ra đời được coi như bộ luật khung, có tác động đến nhiều bộ luật có liên quan. Trực tiếp tại nội dung Luật Quy hoạch đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 18 luật và 3 pháp lệnh (Điều 57, Luật Quy hoạch). Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua: Luật số 28/2018/QH14, ngày 15/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật số 35/2018/QH14, ngày 20/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14, ngày 22/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch.

Sau khi hệ thống luật về quy hoạch được ban hành và sửa đổi, Chính phủ đã ban hành một số nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của các luật và các bộ đã ban hành một số thông tư để hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, để triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn Luật Quy hoạch. Gần đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7446/VPCP-QHĐP, ngày 08/9/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có các văn bản: số 694/BKHĐT-QLQH, ngày 07/02/2020; số 989/BKHĐT-QLQH, ngày 19/02/2020 và số 2255/BKHĐT-QLQH, ngày 06/4/2020 hướng dẫn, đôn đốc việc lập đồng thời và đúng tiến độ các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 27/7/2020; đã có văn bản số 6404/BKHĐT-QLQH ngày 29/9/2020 gửi các bộ, cơ quan liên quan để xin ý kiến đối với văn bản về hướng dẫn một số nội dung xây dựng quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp (trình tự, mức độ và cách thức tích hợp); đang nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thẩm định quy hoạch tỉnh.

Tình hình xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030

Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm: quy hoạch cấp quốc gia (Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 39 quy hoạch ngành quốc gia), 6 quy hoạch vùng, 63 quy hoạch tỉnh, các quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định) và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Sau khi hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021-2030 được xây dựng xong, định hướng phát triển, không gian phát triển và nguồn lực phát triển sẽ được tích hợp và thực hiện thống nhất, qua đó góp phần mở ra các cơ hội phát triển và đầu tư mới và phát huy tính định hướng của Nhà nước kết hợp với tính sáng tạo của thị trường trong phân bổ nguồn lực phát triển.

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước từ năm 2021, ngày 16/8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, cho phép “các quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước, thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn, thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn”.

Do các bộ và địa phương đồng thời tổ chức lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo nhiệm vụ được phân công, để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó yêu cầu các bộ: “Theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập 39 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), cơ quan lập quy hoạch ngành quốc gia có văn bản thông tin đề xuất quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành, gửi cơ quan thường trực Hội đồng Quy hoạch quốc gia trong quý IV/2020, trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch vùng, tỉnh để bảo đảm xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Triển khai các quy định nêu trên, các bộ, địa phương đã tập trung tổ chức lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cụ thể như sau:

Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đến hiện tại, các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch (Ngày 04/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia; Ngày 24/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia; Ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 67/NQ-CP phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia).

Hiện nay, các bộ được giao nhiệm vụ là cơ quan lập quy hoạch quốc gia đang chủ động tiến hành các bước lập quy hoạch, trước mắt là nghiên cứu lập Khung định hướng quy hoạch để làm tài liệu hướng dẫn cho việc lập các quy hoạch cấp dưới. Dự kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thành Khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia xem xét, ban hành trong quý I/2021.

Quy hoạch ngành quốc gia

Thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg, ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến hiện tại đã có 25/39 quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch, còn lại 13/39 Nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia đang trong quá trình thẩm định, 1 quy hoạch chưa lập (Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép không lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ, vì chưa có dữ liệu đánh giá tiềm năng quặng Urani). Hiện nay, các bộ đang khẩn trương lập các khung định hướng quy hoạch ngành quốc gia và lập quy hoạch ngành quốc gia, dự kiến hoàn thành trong năm 2021, một số bộ đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Quy hoạch vùng

- Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 31/7/2020. Hiện tại, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập xong dự thảo quy hoạch, đã tổ chức trên 20 hội nghị tham vấn ở các cấp, đang gửi xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành và chuẩn bị trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

- Quy hoạch các vùng khác: Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 352/TB-VPCP, ngày 04/10/2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng (Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ).

Quy hoạch tỉnh

Từ hàng chục quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh được lập và phê duyệt trong thời kỳ quy hoạch 2011-2020 (như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; quy hoạch tổng thể phát triển giao thông cấp tỉnh; quy hoạch hệ thống thủy lợi; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh; quy hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản...), đến nay, các quy hoạch tỉnh đã được lập theo phương pháp tích hợp vào một bản quy hoạch tỉnh thống nhất.

Hết năm 2020, đã có 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh trình thẩm định (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), còn 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng) đang xây dựng Hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tập trung vào lập quy hoạch tỉnh, trong đó có 3 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang) đã lập xong quy hoạch tỉnh; 2 tỉnh (Hà Tĩnh, Bắc Giang) đã trình Hồ sơ quy hoạch tỉnh đến Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đang làm việc chặt chẽ với các địa phương để hoàn thiện quy hoạch với chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Để chuẩn bị cho việc tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BKHĐT, ngày 11/5/2020 và Quyết định số 709/QĐ-BKHĐT, ngày 11/5/2020 liên quan đến thủ tục thẩm định quy hoạch tỉnh theo quy định.

Chuyển đổi quản lý nhà nước sau Luật Quy hoạch

Thực hiện quy định của Luật Quy hoạch về việc loại bỏ các các quy hoạch không phù hợp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 26/8/2019 bãi bỏ 24 quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, 4 bộ (Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo) đã ban hành quyết định bãi bỏ 61 quy hoạch và 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quyết định bãi bỏ 507 quy hoạch thuộc thẩm quyền.

Đồng thời, với việc loại bỏ các quy hoạch không phù hợp, các bộ, ngành đã nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo ngành, lĩnh vực được phân công, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, khi các quy hoạch quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 59, Luật Quy hoạch bị bãi bỏ. Đến hiện tại, 3 bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương)[1] đã triển khai thực hiện việc nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi các quy hoạch bị bãi bỏ. Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 172/NQ-CP, ngày 19/11/2020 về chính sách phát triển nghề công chứng; tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai đã ban hành văn bản để quản lý, phát triển một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI LẬP HỆ THỐNG QUY HOẠCH QUỐC GIA

Những thuận lợi

- Các bộ, ngành và địa phương từng bước đã nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của việc xây dựng quy hoạch và đang tích cực triển khai việc lập đồng thời các quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

- Các quy định về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành khá đồng bộ và tương đối đầy đủ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch.

- Tuy mới ở bước đầu, có thể đánh giá và dự kiến nội dung và chất lượng công tác quy hoạch sau Luật Quy hoạch sẽ được cải thiện, sự gắn kết của chu trình chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư sẽ được tăng cường, mở ra các cơ hội phát triển mới, không gian phát triển mới, ngành nghề kinh doanh, đầu tư mới cho các địa phương.

Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân

Mặc dù Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã những văn bản hướng dẫn, đôn đốc, tiến độ triển khai lập quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn trong thời gian gần đây, nhưng việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 trong hệ thống quy hoạch quốc gia còn chậm, với các nguyên nhân chủ quan chủ yếu như sau:

- Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là một nhiệm vụ mới và khó, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, tổng hợp, đa ngành giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, tăng cường cơ chế liên kết vùng, giảm nhẹ tư duy cục bộ trong phát triển, ưu tiên sự linh hoạt, sáng tạo của cơ chế thị trường và của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc này triển khai còn chậm trên thực tế.

- Trong quá trình triển khai nhiệm vụ quy hoạch, các địa phương gặp lúng túng về việc lập và phê duyệt dự toán quy hoạch, lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, cách thức phối hợp giữa các cơ quan, địa phương và đơn vị tư vấn, cách thức tổ chức, quản lý, theo dõi giám sát và nghiệm thu nhiệm vụ quy hoạch để bảo đảm tiến độ và chất lượng quy hoạch.

- Việc xác định phân vùng quy hoạch để lập quy hoạch vùng mới có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 352/TB-VPCP, ngày 04/10/2020 của Văn phòng Chính phủ), nên việc đề xuất Khung định hướng phát triển vùng, phát triển ngành quốc gia chưa được ban hành.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình, bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch, trong năm 2021, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

Về phía các địa phương

- Nghiên cứu quán triệt và triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Đối với 5 địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh.

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, đề nghị chú ý một số vấn đề như sau:

+ Hoàn thiện cơ cấu tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Đề nghị kiện toàn bộ phận thường trực (có thể thành lập Ban quản lý nhiệm vụ quy hoạch), giao cán bộ chuyên trách, xây dựng và ban hành quy chế làm việc, có sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và sự tham gia của các sở, ngành, địa phương.

+ Tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện nhiệm vụ quy hoạch: Xây dựng Kế hoạch lập quy hoạch phù hợp (tham khảo biễu mẫu Kế hoạch lập quy hoạch do Bộ kế hoạch và Đầu tư soạn thảo), với việc theo dõi, giám sát thường xuyên, bảo đảm sự tham gia và vai trò của các sở, ngành, địa phương trong quá trình lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Quy định các mốc thời gian, các sản phẩm trung gian chính và cơ chế thẩm định, đánh giá các sản phẩm trung gian (cần yêu cầu về báo cáo đầu kỳ, báo cáo giữa kỳ và báo cáo cuối kỳ của nhiệm vụ quy hoạch), thường xuyên rà soát, hỗ trợ và trao đổi ý kiến với tư vấn trong quá trình lập quy hoạch.

+ Lấy ý kiến kịp thời các bộ, ngành, địa phương có liên quan về các vấn đề phát sinh trong quá trình lập quy hoạch. Các địa phương thường xuyên báo cáo, trao đổi thông tin với Hội đồng Quy hoạch quốc gia và Cơ quan thường trực của Hội đồng Quy hoạch quốc gia, các bộ, ngành để cập nhật về mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển quy hoạch ngành, vùng trên lãnh thổ; chỉ đạo việc lập quy hoạch tỉnh bảo đảm sự đồng bộ, kế thừa, ổn định và thống nhất giữa các cấp quy hoạch theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14, ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Từng bước kiện toàn về tổ chức bộ máy để triển khai theo dõi, đánh giá, thực hiện quy hoạch sau khi quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh được phê duyệt, bảo đảm thực hiện chính sách “Nhà nước quản lý phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt” quy định tại Điều 10, Luật Quy hoạch năm 2017.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì soạn thảo và trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia ban hành Khung định hướng lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, đề xuất các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội vào đầu quý I/2021, để cung cấp thông tin cho các bộ, ngành và địa phương trong quá trình lập quy hoạch.

- Tiếp tục đôn đốc và hướng dẫn các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh bảo đảm tính thống nhất.

- Đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thẩm định đối với các hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 của một số địa phương đã hoàn thành dự thảo quy hoạch tỉnh (Bắc Giang, Hà Tĩnh và một số tỉnh); đôn đốc và hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sau thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn về các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các định hướng ưu tiên phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, trình thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Triển khai khẩn trương việc lập quy hoạch vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 352/TB-VPCP, ngày 04/10/2020 của Văn phòng Chính phủ về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để thực hiện Luật Quy hoạch 2017.

Một số kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ

- Chỉ đạo các bộ, địa phương tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để khẩn trương tổ chức triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo tinh thần Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu ban hành hướng dẫn về quản lý, thanh quyết toán chi phí nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công, nhất là chi phí gián tiếp trong hoạt động quy hoạch bảo đảm đầy đủ và sát với tình hình thực tế.

- Chỉ đạo các bộ, địa phương khẩn trương bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; chỉ đạo các bộ khẩn trương nghiên cứu, ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thay thế việc quản lý nhà nước khi các quy hoạch bị bãi bỏ.

- Chỉ đạo các bộ được giao tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch ngành; xây dựng dự thảo mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian phát triển gửi các địa phương tham khảo trong quá trình lập quy hoạch tỉnh./.

TS. Đinh Trọng Thắng

Vụ trưởng, Vụ Quản lý Quy hoạch

Nguyễn Bá Khương

Chuyên viên chính, Vụ Quản lý quy hoạch

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 04/2021)

[1] Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP, ngày 27/04/2020 về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn; Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BXD, ngày 31/12/2019 Quy chuẩn quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BCT, ngày 30/06/2020 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu.