Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Văn bản số 6548/VPCP-QHQT ngày 10/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về Phụ lục kèm theo Quyết định số 1201/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2020/NĐ-CP nhằm hướng dẫn thực thi các cam kết về đấu thầu theo các hiệp định thương mại tự do.

Sẽ sớm có Nghị định mới hướng dẫn thực thi các cam kết về đấu thầu theo các hiệp định thương mại tự do

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP để hướng dẫn cho những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 190/NQ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về việc áp dụng tạm thời Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), Chính phủ đã đồng ý áp dụng tạm thời Hiệp định UKVFTA kể từ ngày 01/01/2021. Các cam kết về đấu thầu trong Hiệp định UKVFTA được kế thừa từ Hiệp định EVFTA. Do vậy, Dự thảo Nghị định hướng dẫn cả những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA để tránh phải sửa đổi Nghị định 95/2020/NĐ-CP nhiều lần.

Về tên của Nghị định, Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2020/NĐ-CP để hướng dẫn việc lựa chọn nhà thầu đối với cả những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA, trong đó dự kiến bao gồm các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa tên của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP theo một trong hai phương án. Phương án 1: Nghị định hướng dẫn thực thi điều ước quốc tế về đấu thầu; Phương án 2: Nghị định hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA.

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, nước thành viên là nước thỏa mãn các điều kiện sau: (i) Ký kết Hiệp định CPTPP ngày 08 tháng 3 năm 2018 và tại thời điểm phê duyệt hồ sơ mời thầu của gói thầu, Hiệp định CPTPP có hiệu lực với nước đó (sau đây gọi là Nước thành viên Hiệp định CPTPP); (ii) Các nước thuộc Liên minh Châu Âu (sau đây gọi là các nước EU); (iii) Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Dự thảo cũng bổ sung khoản 9 vào Điều 3 là: “Mua sắm công là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ vì mục đích công mà không nhằm mục đích bán hay bán lại mang tính thương mại hoặc sử dụng trong việc sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ vì mục đích bán hay bán lại mang tính thương mại trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

Theo cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số vấn đề được xin ý kiến như sau:

(i) Đối với quy định về đấu thầu nội khối, theo kết cấu của Dự thảo Nghị định, gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA được chia thành 3 Phụ lục. Phụ lục I: gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của cả 3 Hiệp định. Đối với những gói thầu này, khi tổ chức lựa chọn nhà thầu nội khối, cơ quan mua sắm cho phép nhà thầu đến từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (nhà thầu nội khối) tham dự thầu; Phụ lục II: gói thầu chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP; Phụ lục III: gói thầu chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định EVFTA và UKVFTA.

Để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, Dự thảo Nghị định quy định theo hướng: Về tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp dịch vụ (dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và dịch vụ xây dựng):

- Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục II, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự;

- Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục III, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự.

(ii) Về tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp hàng hóa (quy định tại Phụ lục II), cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước thành viên Hiệp định CPTPP chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu; Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục III, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước EU, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham dự thầu.

Dự thảo Nghị định đang được đăng tải xin ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia./.

Theo Phụ lục 15-A của Việt Nam trong Cchương 15 - CPTPP về mua sắm Chính phủ, Việt Nam đã đàm phán để có thời gian chuyển đổi là 05 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam để không phải áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ của Việt Nam theo Chương 15. Trong thời gian này, Việt Nam sẽ tham vấn với nước thành viên CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam. Đồng thời, đối với nghĩa vụ theo Điều 15.19 về giải quyết kiến nghị trong nước, Việt Nam có thời gian chuyển đổi 03 năm để tạm hoãn thi hành các nghĩa vụ tại điều này. Khi đó, Việt Nam vẫn cho phép các nhà thầu của các nước thành viên gửi kiến nghị đến cơ quan mua sắm về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Như vậy, các hệ lụy mà cơ quan mua sắm công gặp phải, như bị nhà thầu hay Chính phủ nước ngoài khởi kiện, sẽ chỉ phát sinh sau khi thời gian chuyển đổi chấm dứt. Khi đó, họ sẽ mất thời gian, chi phí để giải quyết các vụ kiện và nếu thua kiện, không chỉ uy tín của các cơ quan bị giảm sút mà còn có thể dẫn đến nguy cơ phải thực hiện các trách nhiệm vật chất đối với nhà thầu và chính phủ thắng kiện.