Giảm mức tính lương hưu

Theo công thức tính lương hưu cũ (Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006), người lao động có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ có mức lương hưu được tính bằng 45% mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội và sau đó cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì lao động nam được cộng thêm 2% và nữ cộng thêm 3%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Tuy nhiên, trong Luật Bảo hiểm Xã hội mới được thông qua, lương hưu của người lao động sẽ giảm đáng kể. Theo đó, đối với lao động nam, từ năm 2018 trở đi, phải có 16 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tương đương với 45% mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội. Năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mới bằng được hưởng 45% mức bình quân tiền lương.

Đối với lao động nữ, Luật Bảo hiểm Xã hội điều chỉnh giảm bằng tỷ lệ thay thế. Tức là từ năm 2018, 15 năm đóng bảo hiểm xã hội vẫn tính bằng 45% mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội, nhưng sau đó cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tiếp theo được tính cộng thêm bằng 2% thay vì 3% như hiện nay.

Bên cạnh đó, mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành 1/7/2015 đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Khu vực kinh tế tư nhân đang thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai, lộ trình như thế để người lao động có thời gian thích nghi với chính sách mới, giảm thiểu tác động bất lợi với người nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.

Mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm và hưởng chế độ thai sản

Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định bổ sung thêm 2 đối tượng tham gia bảo hiểm xã bắt buộc là người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được giao thêm chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Về chế độ thai sản, Luật cũng quy định người lao động được hưởng chế độ thai sản nếu là lao động nữ mang thai, sinh con, mang thai hộ và nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng; và lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con. Theo đó, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng và có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng.

Đặc biệt, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ 5-14 ngày làm việc tùy trường hợp.

Luật Bảo hiểm Xã hội sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016./.