Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Dự thảo Thông tư được xin ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 9 điều, được ban hành sẽ thay thế Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thuộcỦy bannhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Theo Dự thảo, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển, gồm: tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư công; tổ chức thực hiện và đề xuất về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp tỉnh; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; đấu thầu; đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong phạm vi địa phương; tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân; tổ chức cung ứng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.

Phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch và đầu tư; đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký hợp tác xã; tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính, tài sản của Phòng Tài chính - Kế hoạch do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Dự thảo quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Tài chính - Kế hoạch.

Về cơ cấu tổ chức, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Giám đốc và một số Phó Giám đốc. Số lượng Phó Giám đốc do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định hiện hành.

Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Phòng Tổng hợp, quy hoạch; Phòng Kinh tế ngành; Phòng Đăng ký kinh doanh; Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư; Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân.

Bên cạnh đó, Sở có thể có Văn phòng; Thanh tra.

Dự thảo Thông tư quy định, căn cứ vào yêu cầu quản lý, Sở Kế hoạch và Đầu tư tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể bổ sung thêm không quá 02 (hai) phòng chuyên môn, nghiệp vụ; đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố còn lại, có thể bổ sung không quá 01 (một) phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở so với quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Khi bổ sung phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi quyết định thành lập.

Trường hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư có số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ ít hơn số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ so với quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh tên gọi và chức năng của phòng, bảo đảm bao quát đầy đủ các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Sở có thể có đơn vị sự nghiệp công lập.

Đây là điểm mới so với Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BKHĐT-BNV. Thông tư số 21 quy định, Sở Kế hoạch và đầu tư có Giám đốc và không quá 03 Phó giám đốc. Cơ cấu tổ chức có các phòng gồm: Văn phòng; Thanh tra; Và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Tổng hợp, Quy hoạch; Phòng Đăng ký kinh doanh; Phòng Kinh tế ngành; Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư; Phòng Kinh tế đối ngoại; Phòng Khoa giáo, Văn xã; Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân.

Riêng Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh có thể bổ sung thêm 1 phòng so với quy định.

Thông tư số 21 cũng quy định, căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng và tên gọi cụ thể của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ tối đa không quá 06 (sáu); đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 07 (bảy)./.