Thị trường 42 tỷ USD, doanh nghiệp và Nhà nước hợp sức bảo hộ

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, việc bảo hộ trên thị trường, hiện nay mới là bảo hộ về giống lúa, còn dấu hiệu sản phẩm gạo ST24, ST25 thì phải tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), để đăng ký bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng (Khoản 1, Điều 163 Luật SHTT).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tới đây, quyền bảo hộ và sở hữu bảo hộ của lúa, gạo ST24, ST25 phải có sự bảo trợ của Nhà nước (nguồn: Cổng Thông tin Chính phủ)

Luật SHTT cho phép chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ: sản xuất hoặc nhân giống; chế biến nhằm mục đích nhân giống; chào hàng; bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác; xuất khẩu… Cho đến nay, việc bảo hộ của Nhà nước theo Bằng bảo hộ giống cây trồng là đối với bản thân lúa giống. Chủ bằng có quyền tự mình hoặc cho phép người khác thực hiện các hành vi nêu trên đối với vật liệu nhân giống (trong trường hợp cụ thể này là hạt lúa giống) chứ không phải là gạo (được coi là sản phẩm chế biến sau thu hoạch của lúa).

Trả lời về câu hỏi vì sao việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam đã được tiến hành nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa chính thức có loại gạo nào được công nhận trong diện này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, chiến lược thương hiệu gạo quốc gia bước đầu đã có những giá trị rất cụ thể cho ngành hàng lúa gạo theo hướng tăn sản lượng và diện tích các giống lúa chất lượng cao, qua đó thu về giá trị cao hơn cho ngành hàng này. Tuy nhiên, để nói về sản phẩm cụ thể thì chúng ta đã xây dựng được logo về thương hiệu gạo quốc gia, nhưng để xây dựng được đầy đủ căn cứ để công nhận, đòi hỏi rất chi tiết.

Cũng theo ông Tiến, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới với 14 FTA thế hệ mới, nhưng hiểu biết và vận dụng luật quốc tế, đặc biệt nông sản, vẫn còn hạn chế nhất định. Tới đây, quyền bảo hộ và sở hữu bảo hộ của lúa, gạo ST24, ST25 phải có sự bảo trợ của Nhà nước, trong đó có Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ. “Chúng tôi cũng sẽ bàn để giải quyết vấn đề bảo hộ thương hiệu nông sản trên thế giới như thế nào cho hiệu quả bởi năm 2020 giá trị xuất khẩu nông sản đã là 41,5 tỷ USD, năm nay dự kiến trên 42 tỷ USD”, ông nói.

Thứ trưởng cũng cho biết, ngay khi vụ việc gạo ST24, ST25 có dấu hiệu bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tại Mỹ, cơ quan quản lý (gồm Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và công nghệ) cùng với tập thể tác giả, doanh nghiệp Hồ Quang Trí và Tập đoàn PAN gửi hồ sơ sang Mỹ để bảo hộ thương hiệu này.

Giữ thương hiệu Việt, chống hàng giả, hàng nhái: Việc không thể không làm

Tổng giám đốc của PAN Nguyễn Thị Trà My cho biết, PAN đã ký thỏa thuận nhận ủy quyền đại diện độc quyền làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25

Tổng giám đốc của PAN, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết, mục tiêu quan trọng nhất của công việc trên là gìn giữ và phát triển nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Theo bà Trà My, không chỉ cá nhân ông Hồ Quang Cua hay Tập đoàn PAN, các thương vụ ngoại giao nước ta cũng đã chủ động tham gia nhằm bảo vệ chủ quyền thương hiệu ST24 và ST25 đang bị các công ty nước ngoài “lén” đăng ký. PAN sẽ triển khai các công việc theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, không chỉ giữ thương hiệu nông sản Việt mà còn chống việc làm giả, làm nhái các sản phẩm này trên thị trường.

Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn PAN tháng 4/2021 đã thông qua chiến lược giai đoạn 2020 - 2025 là tập trung phát triển năng lực sản xuất lõi tại từng mảng kinh doanh trên nền tảng sẵn có; đồng thời tận dụng cơ hội, nếu có, trên thị trường để M&A các công ty tốt, phù hợp với ngành nghề kinh doanh và chiến lược phát triển.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệu quả của PAN được đóng góp chủ yếu từ mảng giống cây trồng và mảng gạo. Các sản phẩm gạo của Tập đoàn nhắm đến phân khúc gạo đóng gói chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc và quản lý sản xuất khép kín toàn bộ chuỗi giá trị, từ giống, đến trồng trọt, thu hoạch và đóng gói. Tập đoàn đang và sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm gạo thơm ST, với giống được mua bản quyền trực tiếp từ tác giả Hồ Quang Cua. Chủ tịch PAN, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, PAN đạt được thỏa thuận với tác giả gạo ST25 là mua giống sản xuất gạo, nhưng hiện chưa có thỏa thuận đăng ký thương hiệu. “Cần có cách giữ thương hiệu Việt Nam”, ông nói.

Theo Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm gạo nói chung và gạo ST25 nói riêng là không đơn giản, do mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà các nhà xuất khẩu tiềm năng cần phải tìm hiểu rõ. Cùng với đó, mỗi một sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau, điều quan trọng là doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm, hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình./.