Quốc hội cũng nhất trí thông qua 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại luật này.

Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này được đánh giá cao do việc sự thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật. Thay vì “chọn cho” (nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật), đã chuyển sang cách “chọn bỏ” (quy định những gì cấm, còn lại thì doanh nghiệp, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật).

Trước đó, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Chọn - bỏ là những gì khó làm thì cấm, và được ghi vào luật, cái gì luật không ghi hoặc ghi thiếu là người dân, doanh nghiệp được quyền làm. Đây là sự thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Điểm mới thứ hai của Luật Đầu tư (sửa đổi) là thể hiện được sự bảo hộ đầu tư với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, minh bạch và phù hợp với các thông lệ của quốc tế. Dự thảo đã cập nhật tất cả quyền sở hữu của nhà đầu tư, cam kết bồi thường thỏa đáng khi quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không được đảm bảo, khi nhà nước quốc hữu hóa… đều phải bồi thường.

Vấn đề thứ ba mà dự án Luật hướng đến và được các đại biểu đồng tình đánh giá cao là thủ tục thông thoáng.

Luật đã quy định bỏ toàn bộ giấy chứng nhận đầu tư với tất cả các dự án đầu tư trong nước. Đây không phải là buông lỏng, mà vì chúng ta đã đối chiếu với tất cả các luật lệ, các luật chuyên ngành. Các quy định đã quá chặt, quá cụ thể nên không nhất thiết bắt doanh nghiệp phải làm trùng lặp lại, điều này tạo thuận thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư trong nước.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật;

Bao gồm: 12 lĩnh vực cấm đầu tư được quy định trong danh mục ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/6/2006;

15 ngành, nghề cấm kinh doanh quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010;

24 hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh được quy định trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006;

Và có 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật, bao gồm 56 luật, 8 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 176 Thông tư, 26 Quyết định của Bộ trưởng và 2 văn bản của Bộ.

Danh mục 386 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành đã được rà soát, xử lý theo hướng:

- Bãi bỏ 37 ngành, nghề không cần thiết hoặc không rõ mục tiêu quản lý (đã có ý kiến thống nhất của các bộ, ngành);

- Bãi bỏ 13 ngành, nghề trùng lặp về điều kiện đầu tư kinh doanh; bãi bỏ 96 ngành, nghề do hợp nhất 139 ngành, nghề thành 43 ngành, nghề nhằm phản ánh đầy đủ, chính xác, minh bạch các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh trùng lặp và áp dụng tùy tiện, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này;

- Bổ sung 32 ngành, nghề theo đề nghị của các Bộ, ngành; hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo chức năng quản lý của bộ, ngành; cập nhật, chuẩn xác tên gọi một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện./.