Điều kiện nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Theo đó, việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được phép hoạt động theo quy định.

Bên cạnh đó, tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải thuộc các trường hợp quy định; người nhập khẩu tàu phải có bản kê khai danh mục vật liệu trên tàu theo mẫu quy định; tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển nhượng, mua, bán lại.

Tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày đưa tàu vào cơ sở phá dỡ.

Tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải.

Theo Nghị định, doanh nghiệp phá dỡ tàu biển có đủ 3 điều kiện sau đây được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ:

1- Có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.

2- Có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ về nhập khẩu; pháp luật hàng hải; an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

3- Có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng Việt Nam.

Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có hiệu lực thực hiện trong 5 năm kể từ ngày cấp.

Nghị định cũng quy định các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ gồm: Tàu chở hàng khô (hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép); tàu công-ten-nơ; tàu chở quặng; tàu chở hàng lỏng (dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật); tàu chở gas, khí hóa lỏng; tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển; giàn khoan nổi; giàn khoan tự nâng; tàu chứa nổi; phương tiện chứa nổi và chuyển tải sản phẩm; các loại tàu biển khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/1/2015.

Kế hoạch hành động phòng, chống rửa tiền

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020.

Theo kế hoạch, sẽ triển khai các nội dung hành động về: xác định các rủi ro và phát triển các chính sách và hợp tác trong nước; rửa tiền và tịch thu tài sản; tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí; Áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho khu vực tài chính và phi tài chính được chỉ định; tăng cường tính minh bạch và sự sẵn có của các thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi của các pháp nhân và thỏa thuận pháp lý; thiết lập quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền và các biện pháp tổ chức khác; hỗ trợ hợp tác quốc tế...

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan từ năm 2015 đến 2020 phải xây dựng cơ chế tập trung xử lý thông tin liên quan đến rủi ro quốc gia trong các lĩnh vực; tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền theo Điều 250, 251 của Bộ luật Hình sự; xây dựng và ban hành các hướng dẫn liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, tài trợ khủng bố; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... và các văn bản liên quan; đưa nội dung liên quan đến thanh tra về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm cho toàn ngành...

Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để chống hàng giả, hàng nhái

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chống hàng giả, hàng nhái nói chung và thương hiệu đồ chơi trẻ em LEGO nói riêng.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) thông báo để các doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn LEGO nói riêng chủ động liên hệ các cơ quan chức năng làm thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm của mình tại Việt Nam, nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm để có căn cứ xử lý đối với hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Phó Thủ tướng giao các Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các Hiệp hội, các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng nhập lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp đã đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tại Việt Nam.

May gia công xuất khẩu hàng quân trang, quân phục

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Vương Thy được thực hiện may gia công xuất khẩu hàng quân trang, quân phục.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn thủ tục, quy trình thực hiện cụ thể, bảo đảm yêu cầu quản lý.

Theo Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng, việc nhận gia công xuất khẩu mặt hàng quân trang, quân phục cho nước ngoài sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước giúp Việt Nam tham gia vào một phân khúc thị trường lớn về may mặc trên thế giới.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ