Theo đó, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh với 10 chương, 66 Điều. Trong đó, đối tượng áp dụng của Luật là đại diện chủ sở hữu nhà nước; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ 8 nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đó là: Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; Đầu tư vốn nhà nước để hình thành và duy trì doanh nghiệp ở những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia hoặc thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp theo quy định tại Điều 10 và Điều 16 của Luật này; Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp; Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; Bảo đảm có hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp; Bảo đảm công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được Quốc hội đã biểu quyết thông qua với 423 đại biểu tán thành (chiếm 85,11%).

Cùng ngày, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB đã được 366 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua (chiếm 73,64%). Điểm nhấn của Luật được mọi người quan tâm trong các phiên thảo luận trước đó là quy định về thuế đối với mặt hàng rượu bia, thuốc lá. Theo đó, về thuế suất, Luật quy định việc điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với bia bắt đầu từ ngày 1/1/2016 và bổ sung lộ trình thực hiện đối với rượu, cụ thể như sau đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/1/2016, 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018. Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018... Trong khi đó, đối với với thuốc lá, Luật vẫn quy định như dự thảo, theo đó, thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá có thuế suất 70% từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2018, thuế suất 75% từ ngày 1/1/2019. Trước đề nghị đẩy nhanh lộ trình tăng thuế thuốc lá, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Quốc hội cho giữ lộ trình và mức tăng thuế suất đối với thuốc lá như Dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, kể cả tiêu thụ nội địa, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

Với 425 đại biểu tán thành (chiếm 85,51%), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư; giảm bớt khó khăn về vốn, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển sản xuất-kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách trong dài hạn.

Luật quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tài nguyên, Luật quy định "miễn thuế đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt"... Tuy nhiên, đáng chú ý nhất đó là Luật đã không quy định về việc xóa tiền phạt chậm nộp. Đối với, trường hợp cần thiết phải xóa tiền phạt chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2013 như đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành nghị quyết riêng./.