Thành phố Bắc Giang là đô thị loại II

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định công nhận thành phố Bắc Giang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Giang.

Thành phố Bắc Giang là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bắc Giang; là đô thị hạt nhân trong hệ thống các đô thị của tỉnh, cũng như trong tổng hệ thống các đô thị của toàn quốc.

Với vị trí thuận lợi về giao thông (cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội và thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu Đồng Đăng), những năm qua, thành phố Bắc Giang đã từng bước xây dựng để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Bắc Giang và khu vực miền núi, trung du phía Bắc, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của toàn khu vực. Thành phố Bắc Giang được công nhận là đô thị loại III năm 2003.

Bổ sung trên 158 tỷ thực hiện các dự án khoa học

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2014 cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để thực hiện 2 dự án với số tiền trên 158 tỷ đồng.

Cụ thể, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được bổ sung 60,106 tỷ đồng để thực hiện dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai VNREDSat-1.

Viện này cũng được bổ sung 98,28 tỷ đồng thực hiện dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính được giao căn cứ chức năng, nhiệm vụ xử lý cụ thể theo quy định.

Việt Nam đăng cai tổ chức AMME 13

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13), Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN + 3 lần thứ 14, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Cấp cao Đông Á lần thứ 5 và các sự kiện liên quan trong năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị chu đáo việc tổ chức các hội nghị. Bộ Tài chính bố trí và hướng dẫn sử dụng kinh phí đảm bảo tổ chức thành công các hội nghị.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hội nghị về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đảm bảo thống nhất trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13.

Thăm dò, khai thác, chế biến quặng sắt phải bền vững

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt là phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của ngành luyện kim Việt Nam.

Quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là hoàn thành khoảng 25 đề án thăm dò quặng sắt, đạt mục tiêu khoảng 294 triệu tấn trữ lượng cấp 121 và 122; đưa vào khai thác và chế biến đạt công suất thiết kế 2 mỏ quặng sắt quy mô lớn là Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Quý Xa (Lào Cai); các mỏ quặng sắt quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn; Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa và Quảng Ngãi.

Giai đoạn 2021 - 2030 phấn đấu tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 25 - 25,5 triệu tấn (tương ứng với 36 - 37 triệu tấn công suất) vào năm 2025 và năm 2030...

Theo Quy hoạch, tổng tài nguyên, trữ lượng quặng sắt đã được điều tra đánh giá và thăm dò của nước ta khoảng 1,3 tỷ tấn (không tính quặng sắt laterit Tây Nguyên). Quặng sắt laterit Tây Nguyên có tiềm năng đáng kể, dự báo khoảng 1,2 tỷ tấn quặng tinh, nhưng chất lượng thấp - sắt nghèo và hàm lượng nhôm cao.

Về quy hoạch phát triển khai thác, chế biến (tuyển quặng), giai đoạn đến năm 2020 sẽ đầu tư cải tạo, mở rộng nâng công suất 16 mỏ và đầu tư mới 35 mỏ, biểu hiện quặng sắt có triển vọng trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi, Gia Lai. Trong đó, phấn đấu hoàn thành xây dựng và khai thác, chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê đạt công suất 5 triệu tấn/năm (giai đoạn 1), khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Quý Xa đạt công suất 3 triệu tấn/năm (giai đoạn 2); thực hiện khai thác và chế biến thử nghiệm quặng sắt laterit ở tỉnh Gia Lai...

Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quặng sắt

Để đạt được các mục tiêu trên thì giải pháp và chính sách đặt ra là phải khẩn trương hoàn thành công tác thăm dò đối với các khu vực mỏ/điểm quặng đã được cấp phép khai thác nhưng chưa hoàn thành công tác thăm dò, tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quặng sắt phục vụ cho công tác quy hoạch, quản trị tài nguyên; đẩy mạnh việc tái cấu trúc các doanh nghiệp; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, liên kết đầu tư các cơ sở chế biến quặng nghèo với quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiến tiến, thân thiện môi trường...

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác và chế biến quặng sắt đến năm 2030 khoảng 20.282,5 tỷ đồng.

Thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương triển khai Đề án Thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án; thống nhất với Văn phòng Chính phủ về sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung, bảo đảm sự đồng bộ, xuyên suốt, tránh đầu tư chồng chéo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn theo quy định để thực hiện Đề án.

Bộ Quốc phòng khẩn trương đôn đốc, chỉ đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước và Mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ, hoàn thành trong năm 2016. Riêng phần hạ tầng của Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền hoàn thành trước tháng 5 năm 2015 để bảo đảm kịp tiến độ triển khai Đề án của Bộ Tư pháp.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ, trong đó Cổng thông tin điện tử cấp tỉnh là cơ quan do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo, đặt tại Văn phòng UBND cấp tỉnh; do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ; chịu trách nhiệm bảo đảm hệ thống thông tin hành chính điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công và thông tin về hoạt động bộ máy.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương trình Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản, thuận tiện.

Khẩn trương triển khai hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Hà Nội

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Luật đấu thầu, Chủ đầu tư áp dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện gói thầu khảo sát, tư vấn thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và bảo hiểm công trình tuyến ống số 2, phân kỳ 1 thuộc Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Đồng thời, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex tập trung khẩn trương triển khai dự án trên bảo đảm chất lượng, tiến độ và không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Được biết, sau 5 năm dự án đi vào vận hành, khai thác, tuyến ống truyền tải nước sạch thuộc giai đoạn 1 Nhà máy nước sông Đà đã xảy ra một số sự cố ảnh hưởng tới an ninh cấp nước cho người dân Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, khu vực phía Tây thành phố Hà Nội rất thiếu nước. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến ống số 2, phân kỳ 1 thuộc Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (giai đoạn 2 Dự án Nhà máy nước sông Đà) đang rất cần thiết và cấp bách.

Xây dựng cơ chế điều hành nhập khẩu đường

Phó Thủ tướng Hoàng Trung vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Hiệp hội mía đường Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế điều hành nhập khẩu đường cho thời gian tới, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân trồng mía, các nhà máy đường và tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2014.

Giải quyết triệt để việc bãi rác gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra và có biện pháp giải quyết triệt để việc bãi rác của thành phố Hòa Bình gây ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Đà.

Trước đó, ngày 20/11/2014, Bản tin VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam có đưa tin bãi rác của thành phố Hòa Bình gây ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Đà.

Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra và có biện pháp giải quyết triệt để, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/12/2014./.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ