Chế độ lao động của thuyền viên tàu biển

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về điều kiện lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thuyền viên, chủ tàu, các tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam.

Nghị định quy định chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam gồm: Hợp đồng lao động thuyền viên; tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết; hồi hương; thực phẩm và nước uống; chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên trên tàu và trên bờ; trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp;...

Trong đó, về hợp đồng lao động thuyền viên, trước khi làm việc trên tàu biển, chủ tàu và thuyền viên phải ký hợp đồng lao động thuyền viên. Trường hợp chủ tàu không trực tiếp ký kết hợp đồng lao động thuyền viên thì ủy quyền bằng văn bản cho người đại diện thực hiện. Việc ký kết, ủy quyền, thực hiện lao động thuyền viên theo quy định của Bộ luật Lao động, Nghị định này và văn bản có liên quan.

Ngoài những nội dung cơ bản được quy định tại Bộ Luật lao động, hợp đồng lao động thuyền viên phải có thêm các nội dung: Việc hồi hương của thuyền viên; bảo hiểm tai nại; tiền thanh toán nghỉ hằng năm; điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động thuyền viên.

Hợp đồng lao động thuyền viên, các phụ lục, tài liệu liên quan được làm bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có giá trị pháp lý như nhau.

Thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp, chủ tàu có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả gồm điều trị y tế, phẫu thuật, nằm viện, các loại thuốc, trang thiết bị điều trị cần thiết, chi phí ăn, ở của thuyền viên từ khi sơ cứu đến khi thuyền viên bình phục hoặc đến khi xác định là mãn tính.

Bên cạnh đó, trả đủ tiền lương ghi trong hợp đồng lao động thuyền viên trong thời gian điều trị; thanh toán chi phí mai táng trong trường hợp thuyền viên bị tử vong trên tàu hoặc trên bờ trong thời gian đi tàu.

Chủ tàu không phải thanh toán chi phí cho thuyền viên trong trường hợp: Bị thương xảy ra ngoài thời gian đi tàu; bị thương, bị ốm do hành vi cố ý của thuyền viên.

Không để xảy ra đình công không đúng trình tự thủ tục quy định

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 96 - KL/TW ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Mục tiêu của Chương trình hành động là nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và Kết luận số 96-KL/TW ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động; hoàn thiện các thiết chế về quan hệ lao động; củng cố và nâng cao năng lực của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Phấn đấu đến năm 2020 quan hệ lao động trong doanh nghiệp ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên; đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được cải thiện; trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của người lao động được nâng cao; tranh chấp lao động và đình công giảm, không để xảy ra đình công không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những nội dung thường xảy ra tranh chấp và những doanh nghiệp còn nhiều hạn chế yếu kém trong việc chấp hành pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề, đào tạo và nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.

Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh trật tự cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư; quản lý chặt chẽ các đối tượng, xử lý nghiêm minh các trường hợp quá khích, cầm đầu xúi giục, kích động gây rối an ninh trật tự.

Xử lý kịp thời hành vi trốn đóng BHXH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, phát hiện và đề nghị xử lý kịp thời các hành vi nợ, gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nội dung như tuyển dụng, sử dụng lao động, chính sách tiền lương, tiền thưởng, an toàn và vệ sinh lao động, thực hiện quy chế dân chủ cơ cở tại nơi làm việc; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể...

36 phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Quyết định quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, có 36 phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự; phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme etylen (PE) dạng xốp, không cứng; giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng; đồng, nhôm phế liệu và mảnh vụn;...

Quyết định này áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và không áp dụng đối với hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh phế liệu qua lãnh thổ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các loại phế liệu thuộc Phụ lục Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/2/2015.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tới Lễ kỷ niệm 10 năm sự kiện sóng thần Thái Lan

Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ tổ chức buổi Lễ kỷ niệm với chủ đề “10 năm tưởng nhớ Sự kiện sóng thần Ấn Độ Dương” vào các ngày 26-27/12/2014 tại tỉnh Phang Nga, Thái Lan.

Thủ tướng Chính phủ gửi thông điệp tới Lễ kỷ niệm này với nội dung: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam chia sẻ sâu sắc với Chính phủ, nhân dân Thái Lan và các nước về những mất mát của thảm họa sóng thần cách đây 10 năm, đánh giá cao những nỗ lực to lớn khắc phục hậu quả. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau cam kết tăng cường hợp tác phòng, chống hiệu quả với thiên tai”.

Thái Lan là một trong 4 nước chịu tổn thất nặng nề nhất do thảm họa sóng thần năm 2004 với hơn 11.000 người thiệt mạng và mất tích.

Chưa thi công lại công trình thủy điện Đa Dâng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 10356/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chưa cho phép thi công lại công trình thủy điện Đa Dâng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ thuật nhằm xác định các nguyên nhân gây nên sự cố; trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công xây dựng công trình; các giải pháp khắc phục và các điều kiện mà chủ đầu tư phải đáp ứng để được phép thi công lại.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi cơ quan có thẩm quyền cho phép thi công trở lại công trình thủy điện Đa Dâng.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo chủ đầu tư công trình thủy điện, doanh nghiệp có các công nhân bị nạn hỗ trợ kịp thời để giải quyết một phần các khó khăn cho các gia đình công nhân bị nạn.

Đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các Sở, ban ngành của tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý đầu tư và quản lý chất lượng xây dựng trong quá trình thực hiện đầu tư công trình thủy điện Đa Dâng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác cứu nạn vừa qua, đề xuất các giải pháp, các bài học kinh nghiệm để thực hiện giải quyết các sự cố tương tự nếu có xảy ra trong tương lai. Đề xuất việc khen thưởng đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo các quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng.

Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất quy chế phối hợp ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó lưu ý công tác tổ chức chỉ huy điều hành trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

Trên cơ sở rà soát danh mục đã được phê duyệt tại Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, đề xuất việc mua sắm bổ sung các trang thiết bị chuyên dụng cần thiết cho công tác ứng cứu sập đổ hầm lò, công trình ngầm để nâng cao năng lực ứng cứu cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Để ngăn ngừa sự cố tương tự, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc./.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ