Công điện của Thủ tướng về thi hành Luật BHYT sửa đổi

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Nội dung Công điện như sau:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Để việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đảm bảo kịp thời, thống nhất, đúng quy định, không để ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT của nhân dân, cũng như hoạt động tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT từ ngày 1/1/2015 được bảo đảm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1.UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó lưu ý chỉ đạo việc lập danh sách người tham gia BHYT theo quy định của Luật; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện đúng quy định công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi người có thẻ BHYT; chủ động, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện; đặc biệt các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp dưới 60% dân số cần có biện pháp quyết liệt về tuyên truyền, khuyến khích để người dân tham gia nâng cao tỷ lệ; chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại địa phương.

2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Luật BHYT trong cả nước.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền; cùng với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân chủ động tuyền truyền, thông báo kịp thời về những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn để người dân biết, chủ động tham gia BHYT.

4. BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn của Bộ, Chính phủ; đảm bảo việc tham gia và quyền lợi khám chữa bệnh của nhân dân.

5. Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc thực hiện Quyết định số 2028/QĐ-TTg ngày 10/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại cơ quan và địa phương mình.

Quy định mới về địa bàn hoạt động hải quan, phối hợp chống buôn lậu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trước đó, phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan đã được quy định tại Nghị định 107/2002/NĐ-CP.

Mở rộng địa bàn hoạt động

Nghị định mới đã quy định rõ phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa; tại cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế trong nội địa; tại cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế; tại cửa khẩu cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; tại bưu điện quốc tế; tại các khu vực ngoài cửa khẩu; và tại khu vực, địa điểm khác.

So với quy định tại Nghị định 107/2002/NĐ-CP, phạm vi địa bàn hoạt động hải quan được mở rộng hơn. Cụ thể, tại cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế, phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan được mở rộng ra cả khu vực chứa và cấp nhiên liệu; khu vực thiết bị phục vụ mặt đất, khu vực sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; đường công vụ.

Hay như tại các khu vực ngoài cửa khẩu, phạm vi hoạt động hải quan được mở rộng ra cả khu vực chuyển phát nhanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các khu vực trên biển, trên sông, trên bộ khi có phương tiện vận tải neo, đậu, di chuyển để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa, phương tiện vận tải chuyển tải, chuyển cửa khẩu, quá cảnh đang trong quá trình làm thủ tục hải quan và chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan...

Bổ sung quy định trách nhiệm, nội dung phối hợp

Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung quy định trách nhiệm, nội dung phối hợp của các cơ quan liên quan trong trao đổi, cung cấp thông tin; trong tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, truy đổi, dừng phương tiện vận tải; trong ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm...

Theo quy định mới, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm, theo đề nghị của cơ quan hải quan thì cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp lực lượng, hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện khám người, phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm; phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong việc lấy lời khai thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, xác lập chuyên án; phối hợp trong việc xử lý các vụ việc vi phạm.

Hỗ trợ 11 địa phương khắc phục hậu quả hạn hán

Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 117,7 tỷ đồng cho 11 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2014 để khắc phục hậu quả hạn hán vụ Hè Thu năm 2014.

11 địa phương được hỗ trợ gồm: Thanh Hóa (16,2 tỷ), Nghệ An (17,6 tỷ), Hà Tĩnh (13,8 tỷ), Phú Yên (10,9 tỷ), Khánh Hòa (9,9 tỷ), Đắk Lắk (9 tỷ), Đắk Nông (8 tỷ), Bến Tre (8,6 tỷ), Vĩnh Long (6,1 tỷ), Kiên Giang và Cà Mau mỗi tỉnh 8,8 tỷ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và số liệu báo cáo.

Các địa phương phải chủ động sắp xếp bố trí ngân sách địa phương (kể cả dự phòng) để đảm bảo việc khắc phục hậu quả hạn hán vụ Hè Thu.

Bố trí vốn GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng khu CNC Hòa Lạc

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án bố trí vốn xây dựng Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, trong đó ưu tiên, tập trung bố trí vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư các dự án ODA ưu tiên và một phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác cho Bản Quản lý Khu CNC Hòa Lạc trong năm 2015 và kế hoạch trung hạn 2016-2020 để đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB, tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc, trong đó bố trí đủ vốn để hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, tái định cư các dự án ODA ưu tiên và một phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc trong năm 2016.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý dự án Khu CNC Hòa Lạc khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các công trình, dự án trong Khu CNC Hòa Lạc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý chưa thu hồi các khoản vốn ứng trước trong kế hoạch vốn năm 2015 của Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc.

Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc có trách nhiệm rà soát, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư hợp lý, xây dựng kế hoạch vốn bảo đảm sát thực tế, đồng thời chủ động phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Quyết định này quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tư vấn pháp luật; góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Quyết định nêu rõ, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân phải kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn thanh tra các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ để Hội Nông dân các cấp tham gia kịp thời, hiệu quả trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai; hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai của nông dân.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện để Hội Nông dân Việt Nam tham gia các chương trình giáo dục phổ biến pháp luật của Chính phủ; hỗ trợ nghiệp vụ cho hệ thống Trung tâm Tư vấn pháp luật và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của các cấp Hội Nông dân Việt Nam, huy động nông dân tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở nông thôn.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã phối hợp với Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nông dân được tư vấn pháp luật trực tiếp tại địa phương.

Quyết định nêu rõ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thẩm định, phân bổ kinh phí hàng năm giao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

UBND các cấp khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nông dân có trách nhiệm mời Hội Nông dân cùng cấp tham gia và tham khảo ý kiến của Hội Nông dân về quan điểm giải quyết vụ việc.

Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài thì UBND các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đối thoại, có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc; tạo điều kiện để Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện theo quy định của pháp luật, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND các cấp chủ động phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo đúng quy định của pháp luật.

Xây dựng mô hình Hội nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

Theo quyết định, các cấp Hội Nông dân Việt Nam có trách nhiệm: Tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nông dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho cán bộ hội viên, nông dân phù hợp với tập quán văn hóa từng địa phương, vùng, miền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, nông dân.

Các cấp Hội nông dân tham gia tiếp nông dân đến khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị.

Đồng thời, xây dựng, mở rộng mô hình Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở nông thôn; tư vấn, trợ giúp pháp lý; hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân ngay từ cơ sở…

Hỗ trợ Lạng Sơn 1000 tấn gạo

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Lạng Sơn để hỗ trợ cứu đói nhân dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng./.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ