Cụ thể, về quyền nhân thân, Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) tiếp tục đưa ra quy định các quyền nhân thân cụ thể (từ Điều 30 - 51), sửa đổi một số điều cho phù hợp với Hiến pháp như quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (thay cho quyền bí mật đời tư)… đồng thời, bổ sung một số quyền mới, như: quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống… Ngoài ra, theo Điều 51 Dự thảo Bộ Luật, các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, bổ sung họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo tập quán. Thay đổi họ theo họ của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà bên vợ, chồng người nước ngoài là công dân;

Về quan hệ pháp luật dân sự, Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) chỉ quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (từ Điều 119-121); một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ dân sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương (từ Điều 115-118).

Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.

Về nội dung này, Điều 145 Dự thảo đề xuất: “Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây: a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó; b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu”.

Về giao dịch dân sự, Điều 148 Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đề xuất: “Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu; Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.”

Đặc biệt, trong nguyên tắc xác định và áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, để làm rõ mối quan hệ giữa phần này với các quy phạm xung đột tại pháp luật chuyên ngành, Dự thảo đề xuất hai phương án giải quyết:

Phương án 1: Các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Phần này và các luật chuyên ngành.

Phương án 2: Các bên được chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (trừ trường hợp quy định Pháp luật áp dụng đối với các quan hệ về nhân thân, thừa kế có yếu tố nước ngoài được xác định theo quy định và các trường hợp cụ thể khác được nêu trong các luật chuyên ngành).

Trong trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam không có quy định về việc xác định pháp luật áp dụng, thì pháp luật của nước nơi có quan hệ mật thiết nhất với quan hệ dân sự đó được áp dụng.

Tập quán do các bên lựa chọn được áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán đó không trái với trật tự công. Trong trường hợp hậu quả của việc áp dụng tập quán do các bên lựa chọn trái với trật tự công thì pháp luật Việt Nam được áp dụng./.