Phát triển lưới điện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cơ chế tài chính của Dự án Phát triển lưới điện Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF).

Theo đó, toàn bộ số vốn vay ADB/AIF (272,70 triệu USD) thực hiện theo cơ chế Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh vay lại toàn bộ theo đúng với điều kiện vay của ADB và AIF cộng thêm phí cho vay lại của Chính phủ.

Thời gian vay lại bằng thời gian vay ADB và AIF là 20 năm, trong đó thời gian ân hạn đến 15 tháng 3 năm 2020; phí cho vay lại của Chính phủ là 0,25%/năm.

Về vốn đối ứng, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm cân đối và bố trí 100% vốn đối ứng của Dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ký với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh Hiệp định vay phụ của Dự án phù hợp với các Hiệp định Vay ký với ADB và theo quy định hiện hành.

Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo lãnh cho Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh và cam kết trả nợ trong trường hợp Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện trả nợ theo Hiệp định vay phụ và quy định hiện hành.

Xây đường nối Vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương UBND tỉnh Nam Định triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối Vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án theo quy định và thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, phân kỳ đầu tư cho phù hợp với khả năng nguồn lực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và mức hỗ trợ cụ thể cho dự án; trường hợp có chủ trương phát hành nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, tổng hợp dự án vào danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tăng cường ứng dụng KHCN trong bảo đảm trật tự ATGT

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương 10 địa phương giảm trên 20% số người chết do tai nạn giao thông, gồm: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nam Định, Cà Mau, Bắc Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nghiêm khắc phê bình 5 tỉnh tăng trên 10% số người chết do tai nạn giao thông, gồm: Quảng Trị, Kon Tum, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre.

Tính mạng con người là trên hết

Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2015 tiếp tục thực hiện Năm an toàn giao thông với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; phấn đấu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương so với năm 2014 ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai Công điện số 2620/CĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội mùa xuân 2015; quán triệt mục tiêu và nhiệm vụ tại Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Trong đó lưu ý một số nội dung như: Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn quốc, từ cấp Trung ương đến các cấp địa phương ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2015; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; tuyệt đối tránh hình thức, rườm rà; triệt để thực hành tiết kiệm.

Bên cạnh đó, phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

Siết chặt quản lý chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2015, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát.

Đẩy mạnh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng, tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện an toàn về kết cấu hạ tầng cho hoạt động của phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông; những vi phạm về điều kiện an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông…

Chủ động, ứng phó kịp thời các tình huống về thiên tai, sự cố

Kết luận tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai công tác năm 2015 của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Năm 2015, theo dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều tình huống thời tiết cực đoan, làm phát sinh nhiều thiên tai, sự cố. Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ sự cố ngày càng cao. Để chủ động và ứng phó kịp thời có hiệu quả các tình huống về thiên tai, sự cố và TKCN, Ủy ban Quốc gia TKCN và các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số việc.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ quan, đơn vị về những ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan hơn để có ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống thiên tai, sự cố và TKCN, khắc phục tư tưởng chủ quan, đơn giản; tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì, thực hiện nghiêm chế độ trực và chủ động theo dõi nắm chắc tình hình, sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo đúng phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra.

Kiểm tra, rà soát đánh giá lại danh mục tiềm ẩn các thảm họa, rủi ro, sự cố của ngành, lĩnh vực mình để điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch sát thực tế, phù hợp với sự phát triển của tình hình, cấp độ thảm họa, rủi ro, sự cố nhất là việc chuẩn bị các giải pháp, phương án, kế hoạch đối phó với siêu bão, sự cố hóa chất, thảm họa sinh học…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thành phương án cảnh báo sóng thần từ trung ương đến địa phương; hoàn thành việc xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng do bão, nhất là trong tình huống siêu bão, động đất, sóng thần làm cơ sở giúp các Bộ, ngành địa phương xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó; phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội hoàn chỉnh đề án hệ thống quan trắc thông tin hồ chứa; chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy lợi có các phương án phòng ngừa sự cố khi có bão lũ, thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn theo hướng tăng dày mật độ trạm để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh cáo thiên tai gắn với hệ thống thông tin, truyền thanh cơ sở.

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành phương án ứng phó sự cố hóa chất; rà soát, chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện bổ sung các phương án phòng ngừa sự cố các hồ chứa để bảo đảm an toàn trong mọi trường hợp do bão lũ hoặc biến đổi địa chất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Quốc gia TKCN nghiên cứu, ưu tiên bố trí vốn bảo đảm kế hoạch mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác ứng phó thiên tai, sự cố và TKCN để nâng cao năng lực cho các lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, TKCN làm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN khẩn trương triển khai xây dựng Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thao trường tổng hợp phục vụ huấn luyện TKCN tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Quốc gia điều hành, quản lý, ứng phó thảm họa và TKCN tại huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội./.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ