Điều này được nêu rõ tại Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị định này, căn cứ các điều kiện quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ngoài 3 bệnh viện trên.

Cũng theo Nghị định này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đảm bảo các điều kiện sau: Có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca; chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thu ận lợi cho người dân.

Nghị định nêu rõ, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

Nghị định quy định, để được thực hiện phương pháp này, các cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật sẽ xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp cần thiết có thể kiểm tra bản chính, yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan, phỏng vấn trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan công an hỗ trợ; đồng thời, chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ và về chuyên môn, kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.

Nghị định cũng nêu rõ, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ cần được tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý.

Thực tế cho thấy, có những người mẹ không thể mang thai vì nhiều nguyên nhân nhưng vẫn có trứng và có nhu cầu sinh con; có những người có bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản và cũng có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu...

Vì thế, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản./.