Khẩn trương xây dựng kế hoạch Chương trình NTM 2016-2020

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, làm căn cứ để các địa phương đưa vào văn kiện đại hội Đảng các cấp.

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014, nhiệm vụ giải pháp năm 2015 và định hướng về kế hoạch 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo thực hiện có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng lưu ý cần tập trung vào một số chính sách sau: Chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị gia tăng nhằm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học tạo ra những đột phá trong nghiên cứu giống mới có giá trị cao. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là chính sách mang tính quyết định, nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và đầu tư sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn (đất đai, thuế, hỗ trợ hạ tầng… ) để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu lao động trên địa bàn nông thôn; chính sách liên kết hợp tác đa dạng giữa hộ nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác để nông dân tiếp cận nhanh với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, với thị trường, giải quyết hiệu quả đầu ra cho nông dân.

Chính sách dạy nghề tạo việc làm cho lao động nông thôn cần tập trung theo hướng: 1- Ưu tiên đào tạo, bỗi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng suất chất lượng công việc của người lao động tại chỗ làm nông nghiệp; 2- Đào tạo ngành nghề mới để người lao động có thể chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động làm việc cho doanh nghiệp và lao động tham gia các hoạt động liên kết với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chính sách tín dụng phải đẩy mạnh và tăng thêm hỗ trợ cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, đồng thời Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ lực, tăng cường, hỗ trợ hiệu quả cho các hộ vay phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chính sách, cơ chế đặc thù gắn với Chương trình giảm nghèo nhằm hỗ trợ, ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy sự phát triển của các vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, bãi ngang, ven biển, hải đảo).

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành xem xét, tính toán để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời các địa phương chủ động trong việc huy động ngân sách địa phương, các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa và lồng ghép Chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí về nông thôn mới; phải xác định rõ được nhóm tiêu chí cơ bản (thu nhập, giảm hộ nghèo, y tế, giáo dục…), hướng dẫn các địa phương theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là vùng khó khăn, đặc thù nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn của các tiêu chí, tránh hình thức, chạy đua theo thành tích, để đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân. Đối với những xã, huyện đã đạt 19 tiêu chí, phải tiếp tục phấn đấu, vươn lên để giữ vững, duy trì và phát triển nông thôn bền vững, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của đất nước. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục xem xét, đưa ra những mức phấn đấu cao hơn để tạo động lực phát triển mới cho những xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới…

* Theo thống kê, số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 là 785 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 8,8 %), 1.285 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí/xã so với năm 2010. Dự kiến đến hết 2015 sẽ có khoảng 1.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt được mục tiêu đề ra là 20%).

Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa có Công điện về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Công điện nêu rõ, để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, Y tế, GTVT, KH&CN, TT&TT, VHTT&DL và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, các chợ đầu mối, nhất là các tuyến biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, TP Hà Nội, TPHCM để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, đặc biệt các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm (nhất là gia cầm từ vùng có dịch cúm); tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, đảm bảo chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện nghiêm các chế độ thông tin, báo cáo, đảm bảo chính xác, kịp thời, chủ động chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng và các địa phương để nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn chặn và phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, dung túng, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng yêu cầu: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động người dân “nói không với hàng lậu” và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Công điện cũng yêu cầu: Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện ngay nội dung Công điện này.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc và tổng hợp tình hình kết quả thực hiện Công điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015.

Hơn 4200 tấn gạo hỗ trợ nhân dân dịp Tết nguyên đán

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 4.208 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Ngãi, Yên Bái, Ninh Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nam, Kon Tum, Gia Lai để hỗ trợ cho nhân dân trong dịp Tết nguyên đán năm 2015.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi 1.335 tấn gạo; tỉnh Yên Bái 308 tấn gạo; tỉnh Ninh Bình 195 tấn gạo; tỉnh Cao Bằng 475 tấn gạo; tỉnh Đắk Lắk 550 tấn gạo; tỉnh Hà Nam 687 tấn gạo; tỉnh Kon Tum 279 tấn gạo; tỉnh Gia Lai 379 tấn gạo.

UBND các tỉnh tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 5.778 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 5 tỉnh: Quảng Trị, Lào Cai, Nghệ An, Tuyên Quang, Bình Định để hỗ trợ cho nhân dân trong dịp Tết nguyên đán năm 2015.

Khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản tại Hà Tĩnh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kết quả khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Theo kết quả khoanh định, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 1.820 khu vực cấm hoạt động khoáng sản, với tổng diện tích trên 434 nghìn ha.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, công bố khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản theo đúng quy định.

Xuất cấp hạt giống cây trồng cho 5 địa phương

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 1.400 tấn hạt giống lúa, 267 tấn hạt giống ngô và 13,7 tấn hạt giống rau cho 5 địa phương bị thiệt hại do hạn hán, bão số 2 và bão số 4.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn 200 tấn hạt giống lúa, 100 tấn hạt giống ngô, 3 tấn hạt giống rau; tỉnh Quảng Trị 100 tấn hạt giống lúa, 70 tấn hạt giống ngô, 8 tấn hạt giống rau; tỉnh Phú Yên 600 tấn hạt giống lúa, 55 tấn hạt giống ngô, 1,5 tấn hạt giống rau; tỉnh Khánh Hòa 300 tấn hạt giống lúa, 12 tấn hạt giống ngô, 1,2 tấn hạt giống rau; tỉnh Ninh Thuận 200 tấn hạt giống lúa, 30 tấn hạt giống ngô.

UBND các tỉnh tiếp nhận và sử dụng số hạt giống cây trồng nêu trên theo đúng quy định.

UBND các tỉnh: Bình Thuận, Bình Định báo cáo cụ thể việc sử dụng số kinh phí đã được ngân sách trung ương tạm ứng để khắc phục hậu quả hạn hán vụ Hè Thu năm 2014 theo quy định tại Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định 49/2012/QĐ-TTg ngày 8/11/2012, trên cơ sở đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tiếp tục hỗ trợ theo quy định.

Theo báo cáo của UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài, bão số 2, số 4 kèm mưa lũ trong vụ Hè thu, vụ mùa 2014 đã gây thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Hiện nay các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ hạn hán nghiêm trọng, các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất năm 2015 theo hướng chuyển diện tích lúa thiếu nước sang trồng ngô và rau màu./.