Quy định nhuận bút tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Theo đó, nhuận bút đối với tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim phóng sự, phim hoạt hình), không phân biệt vật liệu ghi hình, căn cứ vào thể loại, chất lượng, được trả cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh theo tỷ lệ phần trăm của chi phí sản xuất được duyệt.

Trường hợp chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu và các loại hình tác phẩm thể hiện dưới hình thức tương tự khác sang kịch bản điện ảnh thì biên kịch chuyển thể hưởng từ 60-70% mức nhuận bút biên kịch của tác phẩm cùng thể loại quy định, phần còn lại được trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để làm tác phẩm chuyển thể.

Tác giả tác phẩm điện ảnh dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số được hưởng thêm nhuận bút khuyến khích bằng 5-10% mức nhuận bút của tác phẩm cùng loại.

Bên sử dụng tác phẩm trả thù lao cho diễn viên điện ảnh và nhuận bút, thù lao cho các chức danh nghề nghiệp thuộc các trường hợp khác chưa được quy định thông qua hợp đồng thỏa thuận.

Trường hợp tác phẩm điện ảnh có chi phí sản xuất cao do các yêu cầu đặc biệt của thiết bị, vật liệu hoặc chi phí lớn khi quay bối cảnh tại nước ngoài, thì mức nhuận bút, thù lao cao nhất không quá 2 lần mức nhuận bút, thù lao của tác phẩm điện ảnh có chi phí sản xuất bình quân được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật

Nghị định cũng quy định cụ thể nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật, theo đó, bên sử dụng tác phẩm mẫu thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mức nhuận bút theo tỷ lệ phần trăm giá thành tác phẩm, không quá các mức được quy định.

Cụ thể, đối với tác phẩm có giá thành đến 1 triệu đồng, mức nhuận bút không quá 60% giá thành tác phẩm. Nếu tác phẩm giá thành từ 1-5 triệu đồng, nhuận bút tác giả được hưởng không quá 60-40% giá thành tác phẩm;... Đối với tác phẩm có giá thành 9-10 tỷ đồng thì mức nhuận bút không quá 4,7-4,5% giá thành tác phẩm.

Đối với tác phẩm có giá thành trên 10 tỷ đồng, nhuận bút được tính bằng mức nhuận bút của tác phẩm có giá thành 10 tỷ đồng và 1% của phần giá thành tác phẩm vượt quá 10 tỷ đồng.

Trường hợp tác giả chỉ vẽ mẫu, chưa thể hiện thành tác phẩm mẫu thì thì tác giả vẽ mẫu hưởng từ 50-70% mức nhuận bút quy định, phần còn lại được trả cho những người khác dựa vào mẫu vẽ để thể hiện thành tác phẩm mẫu.

Đẩy lùi bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong việc thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020" với mục tiêu 80% cán bộ Hội Nông dân các cấp được đào tạo nâng cao năng lực về giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, các kỹ năng vận động, tư vấn người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng; 80% Hội viên nông dân cam kết nói không với bạo lực gia đình.

Đề án sẽ có các hoạt động cụ thể như tổ chức các hoạt động vận động, tư vấn cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng; xây dựng mô hình vận động, tư vấn, hỗ trợ đào tạo dạy nghề, vốn vay, khuyến nông cho người gây bạo lực gia đình tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của các cấp Hội, báo chí, tuyên truyền vận động trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội về phòng, chống bạo lực gia đình cho Hội viên nông dân.

Để thực hiện Đề án cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng đối tượng tuyên truyền là người gây ra bạo lực gia đình; nâng cao năng lực của cán bộ Hội Nông dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn; đẩy mạng việc hỗ trợ hợp tác với các Tổ chức Quốc tế nhất là Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).

Thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình có trụ sở chính tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Trung tâm này trực thuộc UBND tỉnh Hòa Bình, là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình theo quy định.

Sớm đưa các nhà máy điện mới tham gia thị trường điện cạnh tranh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện mới là đối tượng sẽ tham gia thị trường phát điện cạnh tranh sớm hoàn thiện các điều kiện tiên quyết, đồng bộ với giai đoạn chuẩn bị vận hành thương mại, để sớm đưa các nhà máy điện mới tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Sau hơn 2 năm hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Bộ Công Thương đã có chỉ đạo tích cực; EVN, PVN, Vinacomin cùng các doanh nghiệp ngành điện khác đã tham gia phối hợp có hiệu quả, qua đó nhiều hạng mục công việc cần triển khai thực hiện nhằm hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã cơ bản được hoàn thành. Bộ Công Thương cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các bước nghiên cứu phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam để dự kiến đưa vào vận hành thí điểm theo kế hoạch dự kiến.

Tuy nhiên, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam vẫn còn có một số hạn chế nhất định mà Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, cụ thể: tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường vẫn còn chưa cao và tăng chậm, làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong vận hành thị trường điện; việc mở rộng đối tượng tham gia thị trường phát điện đối với các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu còn lúng túng; chưa xác định được cơ chế cho các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT tham gia thị trường điện...

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, khắc phục những điểm còn hạn chế nêu trên và chuẩn bị các điều kiện để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được duyệt là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát các quy trình thanh toán trong thị trường phát điện cạnh tranh, bảo đảm tính chặt chẽ, công bằng và phù hợp với các quy định hiện hành về công tác kế toán, tài chính.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầu tư nâng cấp, đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo phát triển lưới điện truyền tải đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy trong các chế độ vận hành của thị trường điện. Trước mắt bổ sung các công cụ để xử lý nghẽn mạch truyền tải trên hệ thống, đảm bảo tính minh bạch trong vận hành thị trường điện.

Hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM), báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2015.

Trong đó phải xác định yêu cầu độc lập của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (SMO) phù hợp với yêu cầu vận hành VWEM và hệ thống điện quốc gia. Cân nhắc kỹ lộ trình tách SMO ra độc lập phù hợp với yêu cầu bảo đảm ổn định và an ninh cung cấp điện, kết hợp với việc nâng cao tính minh bạch, công bằng trong vận hành VWEM.

Đồng thời xác định rõ yêu cầu độc lập của Cơ quan điều tiết điện lực trong việc phát triển thị trường điện lực cạnh tranh qua các cấp độ, qua đó xác định lộ trình tách Cơ quan điều tiết điện lực độc lập, phát triển Hội đồng/Ủy ban điều tiết điện lực trong tương lai; xây dựng cơ chế tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh cho các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT.

Xây dựng kế hoạch các bước triển khai VWEM phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, trong đó xem xét thí điểm VWEM ban đầu theo mô hình tính toán trên giấy (Paper Market) để có số liệu đánh giá các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện thị trường.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, tạo điều kiện để xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ thu xếp nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác xây dựng và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu xây dựng khung pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển thị trường điện theo đúng lộ trình được duyệt.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án đưa các thủy điện chiến lược đa mục tiêu tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, đề xuất các điều kiện để có thể khai thác có hiệu quả các công trình này, đáp ứng các nhiệm vụ của công trình, trình Bộ Công Thương trong tháng 4/2015./.