Nghiêm cấm cho mượn chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

Trong đó, Nghị định quy định các hình thức hành nghề của Quản tài viên gồm: Hành nghề với tư cách cá nhân; hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng cho doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Tại cùng một thời điểm, người có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên chỉ được đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản ở một doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân...

Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thành lập và hoạt động theo hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Luật Phá sản. Việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tuân theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về phá sản.

Nghị định cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Cụ thể, những hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên gồm: Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật; lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi; tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà Quản tài viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; các hành vi khác trái với quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên.

Còn đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau: Thông đồng, móc nối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để làm sai lệch các nội dung liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được nhận theo quy định của pháp luật; cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng tên, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà doanh nghiệp biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; các hành vi khác trái với quy định của pháp luật.

Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, trong đó quy định phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa.

Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Luật Giao thông đường thủy nội địa được xác định từ mép luồng trở ra mỗi phía và theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.

Cụ thể, phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trong trường hợp luồng không nằm sát bờ: Đối với luồng đường thủy nội địa trên hồ, vịnh, cửa sông ra biển, ven bờ biển và luồng cấp đặc biệt từ 20-25 m; đối với luồng đường thủy nội địa cấp I, cấp II từ 15-20 m; đối với luồng đường thủy nội địa cấp III, cấp IV từ 10-15 m; đối với luồng đường thủy nội địa cấp V, cấp VI là 10 m.

Phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trong trường hợp luồng nằm sát bờ được tính từ mép bờ tự nhiên trở vào phía bờ ít nhất là 5 m; trường hợp luồng nằm trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng được tính từ mép luồng tới mép bờ tự nhiên và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt.

Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trùng với hành lang an bảo vệ luồng hàng hải thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang luồng hàng hải.

Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều và pháp luật về khai thác bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện

Nghị định cũng quy định điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện. Cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện (cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện) quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật Giao thông đường thủy nội địa phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trong đó có đăng ký ngành nghề đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa và phải bảo đảm 4 điều kiện sau đây:

1- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện được sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

2- Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

3- Có cán bộ kỹ thuật, bộ phận kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

4- Có phương án bảo đảm phòng, chống cháy, nổ, an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Rà soát vướng mắc cần sửa trong xử lý vi phạm hành chính

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phối hợp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ như phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giữa lực lượng quản lý thị trường với các lực lượng chức năng khác trong các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực.

Đối với những vấn đề quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính chưa rõ, như thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm của tổ chức; vấn đề giao quyền cho cấp phó ban hành các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cũng như các quyết định hành chính khác trong xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích theo thẩm quyền.

Đối với những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính cần sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ về cho vay hỗ trợ nhà ở.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu về nhà ở tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, thời hạn phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá cụ thể kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ về cho vay hỗ trợ nhà ở; trên cơ sở đó hoàn thiện lại nội dung chương trình hỗ trợ nguồn vốn thực hiện việc cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà của các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong đó, tập trung làm rõ các nội dung về đối tượng áp dụng, lãi suất và thời hạn cho vay, nguồn vốn hỗ trợ, bảo đảm không trùng lắp các chương trình đang thực hiện, hạn chế việc lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đề đầu cơ, trục lợi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước./