6 bản chính giấy tờ, văn bản không được chứng thực bản sao

Theo Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch vừa được Chính phủ ban hành, có 6 bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.

6 bản chính giấy tờ, văn bản trên gồm:

1- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

2- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.

3- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.

4- Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

5- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

6- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính

Cũng theo Nghị định, Giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính gồm: Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; bản chính giấy tờ văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao; không được yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản trong 6 trường hợp nêu trên.

Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao đúng bản chính.

Phát triển thương mại điện tử quốc gia

Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động ứng dụng hoặc hỗ trợ hoạt động ứng dụng thương mại điện tử sẽ được thụ hưởng Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.

Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.

Đơn vị chủ trì Chương trình là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử Trung ương, các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử địa phương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Các đơn vị chủ trì được tiếp nhận kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn đầu tư phát triển để triển khai thực hiện.

Quyết định quy định rõ, các nội dung về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước.

Còn các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử; phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác quốc tế về thương mại điện tử; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử... được sử dụng nguồn vốn sự nghiệp.

Phối hợp để MTTQ tham gia hiệu quả hơn xây dựng cơ chế, chính sách và phản biện xã hội

Phối hợp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hiệu quả hơn nữa vào công tác xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả thiết thực.

Đây là nội dung thông báo kết luận Hội nghị thực hiện quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015, công tác phối hợp của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tập trung phối hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Các cấp chính quyền cần cung cấp thông tin, giải đáp, giải trình và tiếp thu ý kiến phản hồi của nhân dân. Giải quyết các vấn đề xã hội để đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát huy vai trò của những cá nhân tiêu biểu trong các nhân sỹ, trí thức, chức sắc của các tôn giáo, các dân tộc thiểu số và người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, phối hợp phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dân chủ cơ sở, tạo điều kiện để người dân đóng góp, phản biện đối với những chủ trương, chính sách và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục khảo sát, nghiên cứu mô hình các trường, cơ sở dạy nghề, cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần... của các tổ chức tôn giáo để có cơ chế, chính sách nhân rộng mô hình này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III/2015.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động phối hợp trong việc xây dựng, triển khai các chương trình giám sát do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chủ trì.

Về việc hỗ trợ sinh hoạt phí cho Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp xã, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu đề xuất này trong quá trình xây dựng, tổng hợp Đề án Tổng thể cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất làm công tác quản lý căn cước công dân

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước công dân. Kế hoạch nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Luật Căn cước công dân, bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức tốt việc phổ biến Luật Căn cước công dân đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về công dân phục vụ cho việc quản lý dân cư, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội và giao dịch của công dân; kiện toàn tổ chức, biên chế bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về căn cước công dân trong phạm vi cả nước.

Theo Kế hoạch, sẽ thực hiện 4 nội dụng: Phổ biến pháp luật về căn cước công dân; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Luật Căn cước công dân; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý căn cước công dân.

Chấn chỉnh tác phong làm việc

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công an phải kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; chấn chỉnh tác phong làm việc, tiếp dân, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; cải tiến phương pháp làm việc, bảo đảm đơn giản, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục; giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thuộc quyền quản lý có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân...

Thêm sân bay Phú Quốc được hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý bổ sung cửa khẩu sân bay quốc tế Phú Quốc được áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua trong nước mang theo khi xuất cảnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xử lý cụ thể.

Phó Thủ tướng lưu ý, việc bán hàng miễn thuế trên các chuyến bay nhập cảnh, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/2/2009 và số 44/2013/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế kinh doanh bán hàng miễn thuế để thực hiện.

Được biết, sân bay quốc tế Phú Quốc chính thức mở chuyến bay quốc tế vào tháng 2/2014 từ Liên bang Nga đến Phú Quốc tần suất 4 chuyến/tuần và đang tiếp tục mở thêm 2 tuyến bay: Phú Quốc- Singapore tần suất 2 chuyến/tuần và Phú Quốc- Siêm Riệp (Campuchia) tần suất 3 chuyến/tuần. Theo định hướng phát triển của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch tại Phú Quốc.

Vì vậy, việc triển khai hoàn thuế GTGT cho khách du lịch mang theo khi xuất cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch tại nơi đây.

Trước đó, đã có 2 cửa khẩu đã được thí điểm hoàn thuế GTGT là sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh).

Từ tháng 7/2014, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt thêm 5 cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam được hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài, bao gồm: sân bay quốc tế Đà Nẵng (TP Đà Nẵng), sân bay quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), cảng biển quốc tế Khánh Hội (TP.HCM), cảng Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) và cảng Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Bổ sung Chủ tịch xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện.

Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định cụ thể theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHCSXH phối hợp với UBND các cấp trong việc lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo hiệu quả, thiết thực./.