Xuất cấp lương thực cho 9 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 6.931,38 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ 9 tỉnh trong thời gian giáp hạt năm 2015.

9 tỉnh được xuất cấp gồm: Quảng Ngãi 1.371 tấn; Ninh Bình 265 tấn; Hà Nam 1.284 tấn; Kon Tum 279 tấn; Quảng Trị 668 tấn; Lai Châu 847 tấn; Ninh Thuận 523 tấn; Quảng Bình 1.219 tấn; Gia Lai 475,38 tấn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, các tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục hỗ trợ.

Trước đó, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Trị, Lào Cai, Nghệ An, Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Ngãi, Yên Bái, Ninh Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nam, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa.

Phê duyệt danh mục Dự án đào tạo giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Đào tạo giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại giai đoạn 2015 - 2017” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sỹ.

Dự án nhằm cải thiện công tác quản lý của các ngân hàng thương mại Việt Nam theo hướng phù hợp với các thông lệ quốc tế thông qua việc nâng cao đội ngũ cán bộ quản lý hoặc quy hoạch cán bộ quản lý của các ngân hàng thương mại. Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cho Trường bồi dưỡng cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua việc đào tạo đội ngũ giảng viên tiềm năng cho các chương trình đào tạo của Trường.

Mức vốn đầu tư Dự án 2.947.964 USD, trong đó vốn ODA không hoàn lại: 2,3 triệu CHF (tương đương 2.516.200 USD), vốn đối ứng: 9.241.908.420 đồng (tương đương 431.764 USD).

Dự án thực hiện trong 3 năm (từ 2015 – 2017). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chủ quản Dự án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh văn kiện, phê duyệt văn kiện và tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA.

Thông tin chính xác, kịp thời phục vụ công tác chống buôn lậu

Để giúp Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) hoạt động có hiệu quả, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 chủ động hơn trong công tác tham mưu, nắm tình hình; báo cáo thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ tốt công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhất là việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và việc xử lý các vụ buôn lậu nghiêm trọng; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt, phê phán các tập thể, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm; phát hiện, lên án các hành vi dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, nêu những gương điển hình trong nhân dân về tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào toàn dân chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Văn phòng Thường trực đồng thời coi trọng việc rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống và làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Năm 2014 và thời gian trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được nhiều kết quả: xử lý trên 206 nghìn vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 13 nghìn tỷ đồng, trong đó đã triệt phá và xử lý nghiêm nhiều đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả lớn. Kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

Kết luận của tại cuộc họp về việc nâng cao hiệu quả công tác dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan để tổng kết đánh giá việc dạy tiếng Việt cho NVNONN từ năm 2004 đến nay; xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả việc triển khai chương trình dạy tiếng Việt cho NVNONN, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2015.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Hội liên lạc với NVNONN và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến (online), phù hợp nhu cầu của người Việt Nam ở từng quốc gia, địa bàn, khu vực; đẩy mạnh xã hội hóa, đặc biệt là các chương trình do các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và Hội liên lạc với NVNONN biên soạn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trọng tháng 4/2015.

Đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn khai thác, sử dụng miễn phí hai bộ sách học Tiếng Việt "Tiếng Việt vui" và "Quê Việt".

Bên cạnh đó thúc đẩy việc vận động chính quyền các nước sở tại có đông NVNONN đưa tiếng Việt và văn hóa, lịch sử Việt Nam vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thông qua Thỏa thuận hợp tác giáo dục với các nước sở tại, trước mắt với Cộng hòa Pháp và các nước có đề xuất.

Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở Lào và Campuchia, trong đó lưu ý về nhu cầu giáo viên dạy tiếng Việt và nhu cầu học tiếng Việt, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Bộ Ngoại giao đôn đốc các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phổ biến, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng miễn phí hai bộ sách học Tiếng Việt "Tiếng Việt vui" và "Quê Việt"./.