Bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội làm Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020 được thành lập theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 12/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020.

Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Phó Trưởng Ban thường trực) và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không

Kết luận tại Hội nghị tổng kết năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của Ủy ban An ninh Hàng không dân dụng Quốc gia, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban này cho rằng: Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không trong năm 2015 và các năm tiếp theo, toàn ngành Hàng không tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giao thông vận tải hàng không; tiếp tục giữ vững an ninh, an toàn hàng không, coi đây là thương hiệu quốc gia và không để xảy ra tai nạn hàng không. Xây dựng ngành hàng không chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, an toàn và hiệu quả.

Bên cạnh đó, rà soát, chấn chỉnh, loại bỏ những yếu tố gây uy hiếp an ninh, an toàn hàng không; xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó phụ trách, kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc vi phạm, uy hiếp an ninh và an toàn hàng không và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hàng không và các lĩnh vực có liên quan; tăng cường hơn nữa trách nhiệm phối hợp khi thực thi nhiệm vụ ở tất cả các khâu trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không như thực hiện các quy trình kiểm tra kỹ thuật tàu bay, việc giám sát an ninh, an toàn; quản lý, khai thác và điều hành hoạt động bay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an ninh, an toàn hàng không với nội dung phong phú, hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức.

Tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng an ninh hàng không, công an, quân đội trong thực hiện công tác bảo đảm an ninh hàng không. Tiếp tục tăng cường và kiện toàn Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không quốc gia, Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố, xác định trách nhiệm của từng lực lượng, hoàn thiện quy trình xử lý, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn, rút kinh nghiệm qua các cuộc diễn tập để kiện toàn tổ chức và hoàn thiện quy trình xử lý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra, kiểm tra chéo; tổ chức giám sát trực tiếp tại các cảng hàng không, sân bay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, đảm bảo quyền lợi chính đáng của hành khách. Chỉ đạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, thiết bị bảo đảm an ninh hàng không.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Hưng Yên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Hưng Yên quyết định chuyển mục đích sử dụng 246.858 m2 đất trồng lúa để thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất gạch granite cao cấp.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ.

Tiếp tục xếp hạng tổng công ty đặc biệt

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan tiếp tục thực hiện xếp hạng tổng công ty đặc biệt đối với tổng công ty, công ty bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu để bảo đảm phù hợp với các quy định khác liên quan.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện xếp hạng tổng công ty đặc biệt đối với tổng công ty, công ty bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

Đồng thời trong thời gian nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2013/NĐ-CP, cho phép các tổng công ty, công ty có vốn điều lệ của công ty mẹ lớn hơn 1.800 tỷ đồng và bảo đảm đủ các điều kiện xếp hạng Tổng công ty hạng đặc biệt theo quy định Nghị định số 51/2013/NĐ-CP nhưng không do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập được tạm thời xem xét vận dụng xếp hạng tổng công ty đặc biệt; tổng công ty, công ty đủ điều kiện thì báo cáo chủ sở hữu để thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2013/NĐ-CP sẽ thực hiện xếp hạng lại đối với các đơn vị này theo quy định.

Rà soát việc xếp hạng tổng công ty đặc biệt hoặc vận dụng xếp lương theo tổng công ty đặc biệt đối với các tổng công ty, công ty theo quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015.

Nghiên cứu chế độ cho cộng tác viên giảm nghèo

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu sự cần thiết có cộng tác viên giảm nghèo, trên cơ sở đó đề xuất tiêu chí, chế độ, chính sách, nguồn kinh phí đối với cộng tác viên giảm nghèo (nếu cần).

Về Văn phòng giảm nghèo cấp tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo Quyết định 1489/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các địa phương đã thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo thì tiếp tục duy trì, biên chế của Văn phòng Ban Chỉ đạo do UBND cấp tỉnh bố trí trong tổng biên chế được giao.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, địa phương có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình Văn phòng giảm nghèo cấp tỉnh để thực hiện cho giai đoạn 2016-2020.

* Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng chính sách đối với viên chức đặc thù cho các trường phổ thông dân tộc bán trú.

Chính sách lương, bảo hiểm cho NLĐ Việt Nam tại Lào, Campuchia

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về chính sách tiền lương, bảo hiểm và các chế độ đối với người lao động Việt Nam làm việc trong các dự án của nhà đầu tư Việt Nam tại Lào và Campuchia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan của Việt Nam, Lào và Campuchia tuyên truyền, phổ biến các quy định về chính sách lao động (sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động,…), tiền lương, bảo hiểm để doanh nghiệp và người lao động Việt Nam làm việc trong các dự án của nhà đầu tư Việt Nam tại Lào và Campuchia chấp hành theo đúng quy định.

Đồng thời tiếp tục trao đổi, tổng hợp ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Lào, Campuchia về thực hiện chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động Việt Nam. Trường hợp có vướng mắc thì giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan chức năng của Lào để triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác lao động đã ký với Lào, trong đó có nội dung về sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động cho người lao động Việt Nam trong các dự án đầu tư tại Lào.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan của Việt Nam, Lào và Campuchia nghiên cứu để sớm triển khai đàm phán về hợp tác lao động với Campuchia, trước mắt đàm phán cho phép một số doanh nghiệp Việt Nam đưa thêm lao động sang làm việc tại các dự án tại Campuchia để bảo đảm yêu cầu sản xuất.

Hướng dẫn người lao động làm việc tại các dự án đầu tư ở Lào và Campuchia chưa tham gia bảo hiểm bắt buộc để tham gia chế độ bảo hiểm tự nguyện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 áp dụng từ nay cho đến khi Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành./.