Tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”.

Đối tượng áp dụng là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bao gồm:

- Giáo viên, giảng viên (nhà giáo) trực tiếp làm nhiệm vụ nuôi dạy, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác.

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; viên chức làm nhiệm vụ quản lý tại các phòng, ban, viện, trung tâm (không có chức năng đào tạo), văn phòng thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cán bộ, công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo; công chức chuyên trách làm công tác quản lý dạy nghề Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cán bộ, công chức chuyên trách công tác quản lý giáo dục các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Bộ); nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được điều động, bổ nhiệm làm cán bộ công đoàn giáo dục (cán bộ quản lý giáo dục).

- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng.

- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục giảng dạy, quản lý cơ hữu tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Nghị định nêu rõ, việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy; nhà giáo là nữ; nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” được xét tặng ba năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.

Tiêu chuẩn danh hiệu "Nhà giáo ưu tú"

Danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” được xét tặng cho các đối tượng nêu trên và đạt 5 tiêu chuẩn:

1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nơi cư trú.

2- Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng; đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao.

3- Đã 7 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 7 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 7 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; 1 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ.

Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Đã 5 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 5 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 5 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng.

4- Tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng.

5- Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong09 đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” được xét tặng cho các đối tượng nêu trên đã được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn cụ thể như: Đã được 1 lần tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp tỉnh, bộ hoặc giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên (riêng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có 2 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ trở lên); nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy;...

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện

Kết luận tại Phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ thông tin, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, chúng ta phải chủ động bắt kịp xu thế chung, đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng yêu cầu trong năm 2015, các Ban Chỉ đạo liên ngành khẩn trương hoàn thiện tổ chức nhân sự, các cơ quan giúp việc để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng và đảm bảo thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các Ban Chỉ đạo liên ngành, các cơ quan giúp việc BCĐ quốc gia và các BCĐ liên ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao về hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương rà soát nhu cầu thực tế, xây dựng chiến lược hội nhập của Bộ, ngành, địa phương mình, đảm bảo hội nhập chủ động, tích cực và hiệu quả; thực hiện các nhiệm vụ (Đề án) được giao tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 và Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế nhằm phát huy vai trò của hội nhập quốc tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia; trong đó nêu rõ các trọng tâm đối ngoại đa phương của Việt Nam đế năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2015.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ đàm phán các FTA đang ở giai đoạn cuối để ký kết trong nửa đầu hoặc cuối năm 2015, bao gồm các Hiệp định: Việt Nam - EU, Việt Nam- Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam - EFTA.

Các Bộ, ngành liên quan tham gia đầy đủ và sâu sắc hơn trong các cơ chế hợp tác kinh tế ASEAN thông qua các hội nghị các cấp nhằm nỗ lực cao nhất cho mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng, cử đại diện Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2015.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật trong năm 2015 (Cộng đồng kinh tế ASEAN, các FTAs sắp được ký kết), trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2015.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập quốc tế, tăng cường đối thoại doanh nghiệp, đảm bảo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và người dân.

* Năm 2014, Chính phủ đã tích cực triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị thông qua việc ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 về các chương trình hành động cụ thể và thành lập BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế gồm 3 BCĐ liên ngành về 3 lĩnh vực: Chính trị, an ninh, quốc phòng; Kinh tế và Khoa giáo, văn xã, đảm bảo hoạt động hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Công tác hội nhập quốc tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường các nguồn hỗ trợ phát triển ODA, đầu tư nước ngoài FDI, giải quyết các vấn đề phức tạp như dân chủ, nhân quyền, biên giới, lãnh thổ. Trên tinh thần "tích cực và chủ động hội nhập", Việt Nam đã phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế lớn như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO, đưa ra các sáng kiến, đề xuất quan trọng, nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Điều đó khẳng định định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc mở rộng hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực trong đó hội nhập quốc tế về kinh tế là trọng tâm.

Xây dựng, củng cố hệ thống giải phẫu bệnh lao, phổi

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Hỗ trợ xây dựng và củng cố hệ thống giải phẫu bệnh chuyên ngành lao và bệnh phổi tại Việt Nam” sử dụng vốn ODA của Chính phủ Luxembourg.

Dự án nhằm xây dựng và củng cố hệ thống giải phẫu bệnh chuyên ngành lao và bệnh phổi tại Việt Nam; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao trong điều trị ung thư phổi và góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Dự án được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2018. Bộ Y tế là cơ quan chủ quản Dự án.

Tổng kinh phí của Dự án là 2.312.334 Euro, trong đó viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Luxembourg 2.012.334 Euro, vốn đối ứng 300.000 Euro (gồm 100.000 Euro từ ngân sách hành chính sự nghiệp hàng năm của Bộ Y tế và 200.000 Euro vốn góp bằng cơ sở vật chất, nhân lực của các bệnh viện tham gia Dự án).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan và phía Luxembourg xây dựng, tổ chức thẩm định và phê duyệt Văn kiện Dự án theo đúng quy định hiện hành về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Dịch vụ hoa tiêu đường thủy nội địa là dịch vụ công ích

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung dịch vụ hoa tiêu đường thủy nội địa vào Danh mục A (Danh mục các sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đặt hàng; trường hợp không đáp ứng các điều kiện đặt hàng thì thực hiện theo phương thức giao kế hoạch) theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ.

Ngoài dịch vụ hoa tiêu đường thủy nội địa vừa được bổ sung, theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP, Danh mục các sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đặt hàng; trường hợp không đáp ứng các điều kiện đặt hàng thì thực hiện theo phương thức giao kế hoạch gồm: In tiền giấy và các giấy tờ có giá; sản xuất tiền kim loại; Dịch vụ điều hành bay; Dịch vụ bảo đảm hàng hải, bao gồm: hoa tiêu, thông tin duyên hải, bảo đảm an toàn hàng hải; Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sinh thái, rừng ngập mặn lấn biển; Dịch vụ cứu nạn trên biển; Kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới...

Sản phẩm, dịch vụ công ích được xác định là sản phẩm, dịch vụ khi đồng thời đáp ứng các tiêu chí sau đây: Là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh; việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí; được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch, tổ chức đấu thầu theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định.

Xây dựng hai nút giao trên tuyến nối Tân Tạo-Chợ Đệm

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc triển khai đầu tư xây dựng 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm thuộc dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát quy mô, tổng mức đầu tư dự án, tổ chức thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và tính khả thi của dự án.

Đồng thời thống nhất với Bộ Tài chính về phương án hoàn vốn để quyết định việc điều chỉnh mức phí và mức hỗ trợ từ nguồn bán quyền thu phí đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Theo báo cáo của Tổng công ty Cửu Long, đoạn tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm thuộc Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hiện có lưu lượng xe khá lớn và vào các giờ cao điểm thì thường xảy ra ùn tắc giao thông tại nút giao với Tỉnh lộ 10B và với đường Trần Đại Nghĩa. Để giải quyết ùn tắc giao thông và phát huy hiệu quả của Dự án đường cao tốc TP Hồ Chi Minh - Trung Lương, việc đầu tư xây dựng hai nút giao khác mức giữa tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm với Tỉnh lộ 10B và đường Trần Đại Nghĩa là rất cần thiết.

Xây dựng thị trường khí tự do sau năm 2020

Tại cuộc họp về Mô hình phát triển ngành Công nghiệp khí và cơ chế giá bán khí theo thị trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận: Báo cáo Mô hình phát triển ngành Công nghiệp khí và cơ chế giá khí theo thị trường đã được Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ và đưa ra các phương án quản lý ngành khí rõ ràng. Thực tế Ngành Công nghiệp khí của Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh và có kỳ vọng phát triển mạnh hơn. Việc cơ cấu lại các nguồn năng lượng thứ cấp để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu than là cần thiết để bảo đảm phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng đồng ý phương án đề xuất của Bộ Công Thương, cụ thể là giữ nguyên Mô hình quản lý ngành công nghiệp khí và điều tiết khí như hiện nay và tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thị trường khí tự do sau năm 2020. Giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 384/TB-VPCP ngày 28/10/2013.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương rà soát các quy định quản lý ngành công nghiệp khí, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý về điều tiết khí, đảm bảo minh bạch, tính đồng bộ và thông suốt với thị trường điện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giá khí trong bao tiêu bán cho sản xuất điện được giữ nguyên theo giá Hợp đồng hiện hành./.