Hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, trong đó quy định hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Điều kiện hỗ trợ

Theo Nghị định, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm khi có đủ 4 điều kiện:

1- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.

2- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 03 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.

3- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.

4- Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Mức hỗ trợ

Theo Nghị định, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là ½ tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Đối với khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Cho vay tái canh cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý nội dung phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai phương án trên, bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng và phát triển cây cà phê bền vững.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương và UBND các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai hiệu quả Đề án tái canh cà phê các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 và phương án cho vay trên, hỗ trợ người trồng tái canh cà phê về quy trình kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đồng thời chủ đồng xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai việc cho vay tái canh cà phê, bảo đảm việc tiếp cận vốn vay của người trồng tái canh cà phê dễ dàng, thuận lợi.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền về phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên để doanh nghiệp, người trồng cà phê biết và tiếp cận được vốn tín dụng cho vay tái canh cà phê.

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước ta có 22 tỉnh, thành và 105 huyện trồng cà phê với 5 vùng sản xuất chính gồm: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc.

Tổng diện tích trồng cà phê của 5 vùng kể trên đến cuối năm 2014 khoảng 641.000 ha. Trong đó có khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi, chiếm 15% và khoảng 140.000 ha từ 15-20 năm tuổi, chiếm 25%. Ngoài ra, một chỉ số đang lưu ý là hiện cả nước có khoảng 140.000-160.000 ha cà phê già cỗi cần phải trồng thay chế và chuyển đổi trong vòng 45 năm tới.

Cục Trồng trọt cũng cho biết, năng suất và sản lượng cà phê nước ta có chiều hướng tăng lên. Riêng niên vụ mới đây (2013-2014), năng suất bình quân đạt 22,2 tạ/ha, sản lượng cà phê nhân năm 2014 khoảng 1,395 triệu tấn, đạt 101% so với năm 2013; giá trị xuất khẩu đạt 3,55 tỷ USD, đạt 130,9% so với năm 2013.

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng năm của nước ta đạt trên 3 tỷ USD. Cà phê là nguồn thu nhập chủ yếu của trên 500.000 hộ gia đình trồng cà phê với hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có số lượng lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Cà phê cũng góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khác trong cả nước.

Xác minh, xử lý nghiêm đối tượng “bảo kê” trên Quốc lộ 5

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ vừa chỉ đạo xác minh thông tin và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi “bảo kê”, đe dọa hành hung lái xe trên tuyến Quốc lộ 5 (Hà Nội-Hải Phòng).

Cụ thể, báo Lao động số ra ngày 11/3/2015 có bài: “Bảo kê lộng hành tuyến vận tải khách Hà Nội-Hải Phòng” phản ánh nhiều “nhà xe” thuê cò mồi chèo kéo khách, gọi điện đe dọa, bắt chặn, dừng xe, khống chế lái xe, phương tiện của các hãng vận tải khác hoạt động trên tuyến Quốc lộ số 5 đi qua thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng.

Trước thông tin trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ, nếu đúng như nội dung bài báo phản ánh thì phải xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi “bảo kê”, đe dọa hành hung lái xe và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tái diễn tình trạng trên, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2015./.