Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tham vấn quốc gia về các thách thức trong thể chế quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức ngày 19/3, tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Văn Tám cho biết, năm 2015, ngành nông nghiệp định hướng là năm an toàn thực phẩm và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để triển khai chương trình an toàn hiệu quả, việc nghiên cứu hệ thống thể chế quản lý là vấn đề quan trọng nhằm hướng tới đổi mới toàn diện công tác an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã xây dựng được hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên nguy cơ; tiến hành điều tra, truy xuất nguồn gốc, triệu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng.

Việc giám sát an toàn thực phẩm trên diện rộng đã cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm giảm dần. Vì vậy, Việt Nam đã đẩy mạnh được tiếp cận thị trường, giá trị xuất khẩu nông sản thực phẩm năm 2014 đạt 30,8 tỷ USD, xuất khẩu sang hơn 120 nước và lãnh thổ.

Tuy nhiên, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, như: các văn bản dưới Luật của các Bộ chậm ban hành, chưa hoàn toàn đồng bộ và hài hòa; chưa gắn kết quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (đầu ra) với quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến thực phẩm.

Về hệ thống quản lý, kiểm soát: công tác tổ chức còn dàn trải cùng cấp, phân tán giữa các cấp; phối hợp trong thực tiễn còn hạn chế; giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành chưa bài bản, còn trùng lặp. Trong tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật...

Để nâng cao chất lượng khung chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, theo ông Nguyễn Như Tiệp cần cập nhập kịp thời và hài hòa các quy định dưới Luật. Với hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, cần điều chỉnh tổ chức lực lượng để tăng cường phối hợp quản lý, kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, cho quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bà Lucia Frick, Tư vấn Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada, cho rằng: Việt Nam đã mất gần 03 năm để xây dựng được tất cả các khung pháp lý này, nhưng hiện tại mới chỉ đang ở trong giai đoạn kiểm tra xem hệ thống hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, điều cần thiết là phải có một cơ quan duy nhất, tách biệt để quản lý an toàn thực phẩm.

Thêm vào đó, cần tăng cường xử lý các gian lận liên quan đến an toàn thực phẩm. Để làm được điều này phải tăng tính chuyên nghiệp của thanh tra trong lĩnh vực này. Đối với địa phương, cần có hệ thống giám sát an toàn thực phẩm ở các tỉnh, xác định các biện pháp thực thi và thực hiện chúng, chú ý tối đa hóa tính minh bạch trong việc thực thi, hành động./.