Quy định việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện, tổ chức và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Theo đó, tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, về nhân lực trực tiếp thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề của người tham dự.

Về nhân lực của tổ chức thực hiện việc đánh giá, Nghị định quy định, đối với mỗi bậc trình độ kỹ năng của một nghề, có ít nhất 3 người được cơ quan có thẩm quyền theo quy định cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia, trong đó có ít nhất 1 người làm việc chính thức tại tổ chức đánh giá kỹ năng nghề.

Theo quy định, người được cấp thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đáp ứng được một trong các điều kiện về trình độ kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định; hoàn thành khóa đào tạo về nghiệp vụ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đánh giá viên.

Người lao động có nhu cầu đều được đánh giá trình độ kỹ năng nghề bậc 1

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện tham dự và trình tự, thủ tục đăng ký tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trong đó, Nghị định quy định người lao động có nhu cầu đều được tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở trình độ kỹ năng nghề bậc 1 của một nghề.

Nghị định cũng quy định chế độ công nhận tương đương hoặc miễn tham dự đánh giá kỹ năng nghề. Theo đó, người đạt được huy chương tại hội thi tay nghề thế giới, thì được công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ kỹ năng nghề bậc 3 tương ứng với nghề đã đạt huy chương.

Người đạt được huy chương tại hội thi tay nghề ASEAN thì được công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ kỹ năng nghề bậc 2 tương ứng với nghề đã đạt huy chương. Trường hợp tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ kỹ năng nghề bậc 3 tương ứng với nghề đã đạt huy chương thì được miễn kiểm tra kỹ năng thực hành công việc và quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Còn người đạt giải nhất, nhì và ba tại hội thi tay nghề quốc gia thì được công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ kỹ năng nghề bậc 2 tương ứng với nghề đã đạt giải.

Tính đúng, đủ chi phí đầu tư xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong đó quy định rõ, chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình.

Nghị định này quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng; thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Nghị định nêu rõ, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện theo nguyên tắc phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng và nguồn vốn sử dụng. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình.

Nhà nước thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng thông qua việc ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật; hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt gồm cả trường hợp tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo quy định. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Cũng theo Nghị định này, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo các căn cứ, nội dung, cách thức, thời điểm xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng của công trình đã được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư thống nhất sử dụng phù hợp với các giai đoạn của quá trình hình thành chi phí theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Nghị định này.

Quy chế hoạt động của BCĐ biên soạn, xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) vừa ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) (gọi tắt là công trình).

Cụ thể, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ phê duyệt đề cương và kế hoạch nghiên cứu, biên soạn công trình; phê duyệt danh mục và đề cương các chuyên đề, các cuộc hội thảo cấp quốc gia; phê duyệt đề cương biên soạn từng thời kỳ và cơ quan thực hiện, người chủ trì.

Ban Chỉ đạo sẽ nghiệm thu các sản phẩm và kết quả biên soạn của công trình; nghiệm thu toàn bộ công trình khi hoàn thành; cho ý kiến về các vấn đề có liên quan trong quá trình biên soạn; chỉ đạo Bộ Nội vụ tổ chức biên soạn và xuất bản công trình.

Việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945-2015) để có một bộ sử để lại cho đời sau là cần thiết.

Mục đích của việc biên soạn bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 1945-2015 nhằm phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ, chính xác, trung thực, có hệ thống quá trình ra đời, phát triển về tổ chức và hoạt động của Chính phủ cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Qua đó, rút ra những bài học và kinh nghiệm quý báu phục vụ việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước của Chính phủ, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam là tài liệu chính thức giới thiệu về Chính phủ và nền hành chính Việt Nam với bạn bè quốc tế, phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các tầng lớp nhân dân.

Những sản phẩm chính của công trình này là bộ sách Lịch sử Chính phủ Việt Nam, gồm 3 tập (1945-2005) đã xuất bản, có hiệu đính, bổ sung và tái bản; bộ Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam, gồm 5 tập cũng bổ sung tư liệu, hiệu đính và tái bản; Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5/2005 đến 2015 được viết mới và xuất bản; Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2005-2015 được viết mới và xuất bản; Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2015 tóm lược và xuất bản.

Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ chủ trì biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).

Tiến tới giảm tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, đái tháo đường

Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đó là mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng, chống các bệnh này; giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ có uống rượu, bia ở nhóm vị thành niên xuống còn 20%; khống chế tỷ lệ bị tiền đái tháo đường dưới 16% ở người 30-69 tuổi; khống chế tỷ lệ đái tháo đường dưới 8% ở người 30-69 tuổi…

Xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe

Để thực hiện mục tiêu của Chiến lược, cần tăng cường thực thi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, sử dụng mạng lưới thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Vận động xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng vùng miền và từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe và thành phố vì sức khỏe.

Kiểm soát yếu tố nguy cơ, tình trạng tiền bệnh

Cũng theo Quyết định, cần tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế, trong đó, các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập) từ Trung ương đến cấp xã tổ chức các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản phù hợp chức năng, nhiệm vụ theo quy định; phối hợp, lồng ghép khám phát hiện bệnh không lây nhiễm trong các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường phát hiện, điều trị, quản lý tại trạm y tế xã và cộng đồng cho người mắc bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác theo quy định, bảo đảm cung cấp dịch vụ quản lý, theo dõi và chăm sóc liên tục cho người bệnh.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực y tế dự phòng trong kiểm soát yếu tố nguy cơ và các tình trạng tiền bệnh để dự phòng các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Chăm sóc tốt sức khỏe người cao tuổi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giao Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn và thành lập khoa Lão khoa trong các bệnh viện; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt hơn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các biện pháp khuyến khích, nhân rộng các loại hình sinh hoạt, mô hình câu lạc bộ giúp người cao tuổi rèn luyện, nâng cao sức khỏe và tinh thần; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé theo quy định và khuyến khích thực hiện các biện pháp ưu tiên khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy hoạch và từng bước triển khai mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng mở rộng, tăng cường xã hội hóa; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về lợi ích của các cơ sở này đối với cá nhân người cao tuổi, gia đình và xã hội và phát huy vai trò người cao tuổi.

Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan rà soát chế độ, chính sách liên quan đến người cao tuổi để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc đẩy mạnh triển khai kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số và miền núi gắn với tuyên truyền chính sách về người cao tuổi; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương và tham mưu sửa đổi kịp thời các chính sách dân tộc gắn với chính sách đối với người cao tuổi.

Phó Thủ tướng đề nghị Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền về “Tháng hành động vì người cao tuổi”; trên cơ sở đó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Đồng thời tích cực hướng dẫn, đôn đốc việc nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi, các mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi hiệu quả tại cộng đồng dựa vào nguồn lực xã hội hóa.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 9,4 triệu người cao tuổi, chiếm 10,45% dân số. Công tác người cao tuổi được triển khai, thực hiện khẩn trương, đều khắp ở các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

Qua kiểm tra cho thấy 100% người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định. Đến nay cả nước có gần 2,8 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,5 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó có gần 1,4 triệu người từ 80 tuổi trở lên và hơn 95.000 người cô đơn, không nơi nương tựa.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tiếp tục được quan tâm. Cả nước đã có 49/63 tỉnh, thành phố thành lập khoa Lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh; 270 khoa khám bệnh có buồng riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; gần 5.600 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; hơn 2,3 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ…

Các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi và các chính sách đối với người cao tuổi. Một số tỉnh thực hiện tốt mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, mô hình chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” đem lại kết quả thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng như các tỉnh: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Các cấp Hội người cao tuổi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, “Tuổi cao-gương sáng” với những hoạt động thiết thực, phát huy vai trò của người cao tuổi trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, khuyến học khuyến tài… /.