Thực hiện cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông ở địa phương

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Quy chế trên quy định quy trình thực hiện, trách nhiệm triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả...

Cụ thể, về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Quyết định quy định bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đặt tại Văn phòng cơ quan và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Văn phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm hành chính tập trung.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện đặt tại Văn phòng HĐND và UBND hoặc Văn phòng UBND nơi thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện (Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện); chịu sự quản lý, chỉ đạo của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã đặt tại trụ sở UBND cấp xã.

Còn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc thực hiện theo quy định của cơ quan chủ quản.

Không để người dân phải bổ sung hồ sơ nhiều lần

Quyết định trên cũng quy định về công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Theo đó, đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải đảm bảo đủ về số lượng và có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp đáp ứng yêu cầu công việc; có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao; có tác phong, thái độ chuẩn mực, có khả năng giao tiếp tốt với cá nhân, tổ chức.

Đội ngũ công chức phải tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch hành chính; hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác đảm bảo cá nhân, tổ chức chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần...

Phê duyệt Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với I-ran

Chính phủ vừa quyết nghị phê duyệt Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran.

Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại theo quy định và thông báo cho các cơ quan hữu quan biết ngày bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định.

Tính đến ngày 15/7/2014, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập với 69 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mục đích ký kết các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm loại bỏ việc đánh thuế trùng bằng cách: miễn, giảm số thuế phải nộp tại Việt Nam cho các đối tượng cư trú của nước ký kết hiệp định; hoặc khấu trừ số thuế mà đối tượng cư trú Việt Nam đã nộp tại nước ký kết hiệp định vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định còn tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan thuế Việt Nam với cơ quan thuế các nước/vùng lãnh thổ trong công tác quản lý thuế quốc tế nhằm ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và vào tài sản.

Phát triển hệ thống y tế tư nhân, giảm quá tải

Trước mắt, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo tạo cơ chế, chính sách, thực hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp nhằm đẩy mạnh các hình thức khám, chữa bệnh nhất là việc phát triển của hệ thống y tế tư nhân (các bệnh viện, phòng khám, thí điểm mô hình bác sĩ gia đình,... ), tháo gỡ triệt để các rào cản hạn chế sự phát triển của các bệnh viện, phòng khám tư nhân.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2015.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để giảm quá tải bệnh viện phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đi liền với nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, kể cả kỹ thuật cao; vì vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường thực hiện có hiệu quả Đề án giảm quá tải bệnh viện.

Trước mắt, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên tập trung chỉ đạo tạo cơ chế, chính sách; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao nhất là ở các khâu khám bệnh; quản lý bệnh viện; sử dụng bệnh án điện tử; quản lý chất lượng bệnh viện, chất lượng xét nghiệm (bao gồm cả việc công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phân biệt nhà nước và tư nhân); thanh toán bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích các bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất và tự chủ hoàn toàn.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước đăng ký tự chủ hoàn toàn.

Tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho tuyến dưới là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Kiên quyết đẩy mạnh việc thực hiện bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cao (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân); coi đây là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả, hiệu suất của các bệnh viện hiện có.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBDN cấp tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này, bảo đảm đến tháng 6/2015 tất cả các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước có bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh.

Đẩy mạnh triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân) theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, tiến tới phân loại chất lượng bệnh viện và công bố công khai cho toàn dân được biết; gắn việc phân loại, xếp hạng bệnh viện với giá dịch vụ y tế; trước mắt công bố công khai chất lượng bệnh viện của các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối, các bệnh viện hạng I và tương đương (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân) trong quý I/2016.

Phối hợp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2015.

Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ hoan nghênh những kết quả đã đạt được trong phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2014. Công tác phối hợp giữa hai bên tiếp tục được tăng cường, đi vào nề nếp, thực chất hơn và đạt được kết quả tích cực, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước. Tổ chức công đoàn tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng pháp luật, chính sách và động viên công nhân, viên chức, lao động thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh - tế xã hội, ổn định tình hình an ninh - chính trị của đất nước.

Năm 2015, là năm cuối của kế hoạch 5 năm, có nhiều sự kiện chính trị trọng đại và nhiều ngày kỷ niệm lớn, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm tổ chức Đại hội thi đua yêu nước. Chính phủ và Tổng Liên đoàn cần tập trung phối hợp thường xuyên, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trong đó chú trọng phối hợp tốt hơn, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015.

Đồng thời phối hợp xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến người lao động; thực hiện tốt các kết luận của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đồng thời phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, ý thức công dân cho giai cấp công nhân và người lao động; phối hợp trong việc tiếp nhận và giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động.

Hỗ trợ gạo cho tỉnh Quảng Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân tỉnh Quảng Nam trong thời gian giáp hạt năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Trước đó, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Trị, Lào Cai, Nghệ An, Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Ngãi, Yên Bái, Ninh Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nam, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa, Lai Châu.

Vật lý nước ta đạt tiên tiến trong khu vực vào năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020" với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 vật lý nước ta được xếp vào hàng các nước tiên tiến trong khu vực.

Hình thành trung tâm nghiên cứu tiên tiến

Mục tiêu cụ thể của Chương trình trên là nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực vật lý, kết hợp đào tạo chất lượng cao với nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên vật lý các trường đại học trong cả nước, thu hút và đào tạo các nhà vật lý trẻ tuổi tài năng. Bảo đảm đến năm 2020 hình thành được đội ngũ giảng viên vật lý có trình độ cao ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó tỷ lệ giảng viên vật lý có bằng tiến sĩ ở khoa vật lý của các trường đại học trọng điểm đạt trên 50%.

Đồng thời, phát triển các hướng nghiên cứu vật lý có thế mạnh của Việt Nam để nhanh chóng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế; nâng cao trình độ, vị thế của vật lý Việt Nam trên trường quốc tế. Đến năm 2020, phấn đấu tăng số công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín bình quân đạt 30%/năm; hình thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo vật lý tiên tiến được quốc tế công nhận; triển khai nghiên cứu một số hướng vật lý hiện đại, làm nòng cốt cho sự phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ đa ngành, ứng dụng các thành tựu của vật lý vào sản xuất và đời sống; gắn kết các nghiên cứu lý thuyết với nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu ứng dụng.

Xây dựng KHCN theo hướng vật lý hiện đại

Với các mục tiêu trên, Chương trình xác định định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản của ngành vật lý gồm: Vật lý lý thuyết và tính toán, vật lý các chất đậm đặc và chất mềm, quang lượng tử và quang tử học, vật lý hạt nhân.

Định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của ngành vật lý gồm: vật liệu điện từ, điện tử và quang tử; phát triển một số thiết bị khoa học hiện đại, đặc chủng, đặc thù...

Nhà nước đặt hàng xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo một số hướng vật lý hiện đại, chọn lọc; đầu tư xây dựng nâng cấp một số phòng thí nghiệm vật lý ở các trường đại học và viện nghiên cứu có đào tạo sau đại học ngành vật lý; mở rộng tham gia nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu vật lý quốc tế; thành lập Trung tâm vật lý quốc tế được UNESCO công nhận và bảo trợ; khuyến khích các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo ngành vật lý.../.