Thu hồi đất bị chiếm dụng trong khuôn viên ĐH Bách Khoa Hà Nội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý vi phạm pháp luật về đất đai và xây dựng trong khuôn viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo thông báo kết luận, UBND thành phố Hà Nội căn cứ Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 khẩn trương thu hồi diện tích đất thuộc khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mà ông Trịnh Văn Tiến và các hộ dân đã chiếm dụng và xây dựng trái phép. Việc thu hồi đất không bồi thường, nhưng xem xét có hình thức hỗ trợ phù hợp.

Trong quá trình thực hiện, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vận động, thuyết phục ông Trịnh Văn Tiến và các hộ dân nghiêm chỉnh chấp hành; trường hợp không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét cấp kinh phí để thực hiện việc hỗ trợ khi thu hồi đất.

Hỗ trợ Điện Biên hơn 1 nghìn tấn gạo

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.174 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Điện Biên cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục hỗ trợ.

Trước đó, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Trị, Lào Cai, Nghệ An, Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Ngãi, Yên Bái, Ninh Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nam, Kon Tum, Gia Lai, Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Nam.

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Trong năm 2015, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quyết liệt đôn đốc, kiểm tra để thúc đẩy hoàn thành thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ở cấp Trung ương.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” tại Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo cấp Trung ương.

Cũng tại Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng cũng như trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp; tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên, người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành và địa phương mình nhằm nâng cao chất lượng giám định tư pháp.

Các Bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản, đề án để triển khai thực hiện Đề án, Luật giám định tư pháp và hoàn thành trong Quý II năm 2015.

Cụ thể, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành quy định về cơ chế cấp phát tài chính nhanh gọn, hiệu quả, bảo đảm cho công tác trưng cầu và giám định tư pháp.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định; đánh giá việc sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.

Bộ Y tế xây dựng Đề án thành lập Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai trên cơ sở Phân viện của Viện Pháp y tâm thần Trung ương (tại tỉnh Đồng Nai) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; chủ động phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng triển khai dự án đầu tư, xây dựng trụ sở Viện pháp y quốc gia tại quận Hoàng Mai, Hà Nội trong Quý II năm 2015.

Lập 5 đoàn kiểm tra thực hiện Đề án

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký ban hành Kế hoạch hoạt động và Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cấp Trung ương năm 2015.

Kế hoạch nhằm mục đích đánh giá những kết quả việc triển khai thực hiện Đề án, Chỉ thị số 1958/CT-TTg và kết quả triển khai thi hành Luật giám định tư pháp tại một số Bộ, ngành, địa phương nhằm nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm công tác giám định tư pháp được thực hiện đầy đủ, hiệu quả và nâng cao chất lượng…

Theo đó, từng thành viên Ban Chỉ đạo sẽ chủ động kiểm tra việc thực hiện Đề án, Luật giám định tư pháp tại Bộ, ngành mình và đại bàn được phân công phụ trách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, thành lập 5 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn kiểm tra do 1 thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện một số bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo để tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định./.