Để đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng: Quốc phòng; Công an; Tư pháp; Tài chính; Xây dựng; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đề xuất phương án đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với từng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định, bảo đảm việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư 2014 đúng thời hạn.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, trên cả nước có 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 Bộ, ngành, được quy định tại 391 văn bản, bao gồm: 56 Luật, 08 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 176 Thông tư, 26 Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 2 văn bản của Bộ.

Trong 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, có 110 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 170 loại giấy phép kinh doanh, 83 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận, 44 ngành cần chứng chỉ hành nghề với 52 loại chứng chỉ hành nghề, 11 ngành, nghề yêu cầu vốn pháp định với 11 loại xác nhận vốn pháp định, 345 ngành, nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, quy định của pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có một số bất cập như: chưa xác định, tập hợp và công khai hóa Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng; nhiều quy định về điều kiện kinh doanh đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn hoặc không cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước, từ đó gây ra các rào cản gia nhập thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh; nhiều điều kiện kinh doanh không được quy định cụ thể và thiếu minh bạch về trình tự, hồ sơ, thủ tục hoặc điều kiện, thủ tục không rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh đồng thời tạo ra sự tùy tiện, tiêu cực của cơ quan quản lý nhà nước./.