Phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Quý I năm 2015 của các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, tình hình phát triển kinh tế của một số nền kinh tế lớn, kịp thời phân tích những tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta để có phản ứng chính sách hiệu quả.

Đồng thời điều hành chính sách tiền tệ theo các định hướng, nguyên tắc trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ; theo dõi chặt chẽ diễn biến trong và ngoài nước để có giải pháp điều hành phù hợp, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, yêu cầu cân đối ngân sách nhà nước nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Tập trung phân tích tình hình và nguyên nhân xuất khẩu giảm trong quý I/2015 đối với từng ngành, nhóm hàng và thị trường xuất khẩu để có các giải pháp cụ thể đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là nhóm hàng nông sản, thủy sản nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 đã đề ra. Tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về thuế phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo các cam kết quốc tế, góp phần đẩy mạnh sản xuất trong nước; phân tích làm rõ nguyên nhân lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chưa cao để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ.

Làm rõ phản ánh bất cập trong triển khai dự án điện tại Quảng Bình

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh trên báo Tiền Phong về những bất cập trong việc triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, báo Tiền Phong có loạt bài trên các số báo ngày 18-19 và 31/3/2015, phản ánh tình hình phức tạp, có nhiều bất cập trong việc triển khai các dự án điện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Theo báo Tiền phong phản ánh, Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời tại Quảng Bình có tổng vốn gần 14 triệu USD từ vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; được xem là Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam, khu vực triển khai kéo dài trên địa bàn 8 xã của 4 huyện. Ban điều hành Dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm trong đấu thầu bị báo chí phanh phui, phải hủy bỏ kết quả đấu thầu và thay giám đốc điều hành. Tuy nhiên, Dự án vẫn được triển khai và theo dự kiến cuối năm 2015, một số nơi sẽ có điện và đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành Dự án.

Trong khi Dự án điện năng lượng mặt trời đang triển khai, ngày 16/10/2014, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành văn bản số 2908/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia với tổng số vốn 368 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, chồng lấn lên hầu hết địa bàn thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời. Để giải quyết sự chồng lấn này, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã đề xuất phương án tháo dỡ một số vật tư, trang thiết bị của Dự án điện mặt trời để lưu kho, làm nguồn vật tư thay thế cho các khu vực đã sử dụng điện mặt trời và được UBND tỉnh đồng ý.

Theo bài báo, tỉnh Quảng Bình đã vi phạm Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020, khi để hai dự án điện chồng lên nhau, gây lãng phí nghiêm trọng. Bài báo dẫn lời một chuyên gia ngành điện cho rằng toàn bộ thiết bị điện mặt trời do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ sẽ có nguy cơ trở thành phế liệu nếu tỉnh này vẫn quyết định tháo dỡ thiết bị để lưu kho làm nguồn vật tư thay thế sau này.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu trên, nếu đúng cần có biện pháp xử lý phù hợp, không gây lãng phí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15/4/2015.

Đồng ý để Hà Nội thành lập Sở Du lịch

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý UBND TP Hà Nội lập Đề án thành lập Sở Du lịch gửi Bộ Nội vụ để chủ trì, phối hợp với hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các Bộ, cơ quan liên quan thẩm định theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài Hà Nội, một số địa phương khác cũng đang có kế hoạch thành lập Sở Du lịch như Đà Nẵng. Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước tách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra thành hai sở riêng biệt là Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao.

Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành cơ khí

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm ngày 11/3/2015.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả của Chương trình, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo động lực mới để phát triển ngành cơ khí trong nước trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cơ quan thường trực cần tập trung thực kiện toàn, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo. Đánh giá tình hình phát triển của ngành cơ khí, trong đó có đánh giá sự thiếu hụt sản phẩm cơ khí thiết yếu của đời sống xã hội; trên cơ sở đó, đề xuất mô hình tổ chức phát triển và quản lý ngành cơ khí theo hướng thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển ngành cơ khí.

Bên cạnh đó, đổi mới tư duy trong xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm theo hướng xác định sản phẩm mà thị trường cần, lập dự án và ban hành các cơ chế hỗ trợ cụ thể. Đối với các dự án đang triển khai, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện cụ thể đối với từng sản phẩm, dự án; tổng kết, nghiệm thu và đăng ký vào danh mục các sản phẩm cơ khí trong nước đã sản xuất được.

Đồng thời, chỉ đạo, đánh giá tình hình phát triển 8 ngành cơ khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam để xác định dự án, sản phẩm mà thị trường có nhu cầu lớn, lâu dài và có thể hướng tới xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn tới năm 2035 theo đề cương đã được phê duyệt. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án, sản phẩm cơ khí sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất được làm cơ sở dữ liệu tra cứu, dùng chung.

Xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2015 của Ban Chỉ đạo, trong đó có kế hoạch kiểm tra, cập nhật các hoạt động chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm tại các cấp, địa phương, tư nhân và doanh nghiệp. Bổ sung đại diện Tổng Hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp Hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam và Viện nghiên cứu Cơ khí vào Thường trực Ban Chỉ đạo.

Khẩn trương ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nghiêm túc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động các lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất động viên các địa phương thực hiện tốt và nhắc nhở, phê bình các địa phương thực hiện không nghiêm.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường khi sử dụng vật liệu xây không nung.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao ở các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón ký kết hợp đồng xử lý tro, xỉ, thạch cao trong năm 2015; đề xuất giải pháp xử lý các trường hợp không thực hiện đúng hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra việc xử lý tro, xỉ, thạch cao tại Nhà máy hóa chất công nghiệp Đình Vũ, thành phố Hải Phòng, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2015.

Bộ Xây dựng cũng được giao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng có hiệu quả vật liệu xây không nung ở Việt Nam” do UNDP tài trợ; nghiên cứu thiết kế chế tạo các dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp; nghiên cứu đưa vào sản xuất, sử dụng các loại vật liệu khác (bê tông đúc sẵn, tấm thạch cao…).

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các sản phẩm vật liệu xây không nung vào danh mục sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện các cơ chế chính sách về thuế liên quan đến sản xuất gạch đất sét nung ở các địa phương./.