Thủ tướng phê chuẩn Chủ tịch tỉnh Quảng Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đinh Văn Thu, Phó Bí thư tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam.

Ông Đinh Văn Thu sinh ngày 25/10/1959; quê quán xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; dân tộc Kinh; trình độ chuyên môn Đại học Kinh tế, Cử nhân hành chính; Cao cấp lý luận chính trị.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Phước Thanh, để nhận nhiệm vụ mới.

Trước đó (ngày 6/4), Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức hội nghị về công tác cán bộ. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe công bố công văn số 9972-CV/VPTW về ý kiến của Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ông Đinh Văn Thu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh để bầu giữ chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2010-2015. Các đại biểu đã thống nhất bầu ông Đinh Văn Thu với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối 100%.

Cùng ngày, HĐND Quảng Nam tổ chức kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ 13, Khóa VIII) để bầu chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016. Với tỷ lệ số phiếu nhất trí 96,22%, ông Đinh Văn Thu được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam , nhiệm kỳ 2011-2016.

Bổ nhiệm 2 Ủy viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ nhiệm 2 Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định 461/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tại Quyết định 462/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Huyện Củ Chi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Củ chi là huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh có 20 xã và 1 thị trấn. Đến nay, huyện có 20/20 xã đạt 100% chuẩn nông thôn mới.

Theo đánh giá, các tiêu chí cơ bản, các xã trong huyện đều ở mức cao. Trên địa bàn huyện được đầu tư 903 công trình (bao gồm 420 công trình hạ tầng giao thông, 219 công trình thủy lợi, 59 công trình trường học, 205 công trình cơ sở vật chất văn hóa); thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2014 chỉ còn 3,8%; tỷ lệ dân sử dụng nước sạch đạt 100%; 100% xã, ấp có cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn. Nhìn chung các tiêu chí khác đều ở mức cao hơn quy định về điều kiện huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Khai thác, phát huy tiềm năng phát triển đảo Phú Quốc

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Kiên Giang cần sớm hoàn chỉnh Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; khai thác, phát huy hơn nữa tiềm năng phát triển đảo Phú Quốc.

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

Năm 2014, kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang tiếp tục chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 9,51%, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng, sản xuất công nghiệp tăng 8,15%, du lịch tăng 40%, thu ngân sách tăng 2,1%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,47% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ: hệ thống giáo dục đào tạo phát triển nhanh; chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả khá; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,58%; giải quyết việc làm cho 33.396 lượt lao động. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang vẫn còn khó khăn, một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục đổi mới để phát triển, thực hiện tái cơ cấu đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chủ động nắm bắt thời cơ để hội nhập kinh tế sâu, rộng với các nước trước hết là các nước trong Khu vực ASEAN; thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; có giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đồng thời chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, các cấp; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, trọng tâm là xây dựng và triển khai Đề án xác định vị trí việc làm, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế.

Bên cạnh đó sớm hoàn chỉnh Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; khai thác, phát huy hơn nữa tiềm năng phát triển đảo Phú Quốc; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên đảo, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường tốt cho các nhà đầu tư lớn, chiến lược tham gia đầu tư trên đảo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng giả; tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành thực hiện tốt phong trào toàn dân chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác với các nước bạn.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý I và triển khai nhiệm vụ công tác Quý II năm 2015.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2015, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Nâng cao chất lượng vận tải xe buýt; tổ chức tuyến cố định kết nối giữa trung tâm tỉnh với các thị xã, thị trấn và các cụm dân cư ở khu vực nông thôn; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng nhằm hạn chế sử dụng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Xây dựng phương án tăng cường vận tải công cộng tại khu vực nông thôn trong các dịp Lễ. Có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các bến đò ngang.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng thi công đối với các dự án xây dựng mới, đặc biệt là các dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Chỉ đạo các chủ đầu tư và nhà thầu thi công chấp hành nghiêm các điều kiện về an toàn giao thông; kiên quyết đình chỉ và có biện pháp xử lý nghiêm đối những đơn vị vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong quá trình thi công các công trình dự án.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chú trọng ứng dụng công nghệ trong công tác điều hành hoạt động vận tải, điều khiển giao thông, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các địa phương huy động tối đa lực lượng để tăng cường tuần tra kiểm soát, nhân rộng mô hình tổ tuần tra phối hợp giữa Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng khác. Tăng cường tuần tra theo chuyên đề tại các địa bàn tập trung đông người trong các dịp Lễ, nghỉ hè; chú trọng tuần tra tại địa bàn nông thôn và các trung tâm du lịch.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn. Triển khai quyết liệt tuần tra kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm về chở hàng quá tải trọng, vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm thông qua các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

Tập trung tuyên truyền các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, các thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn. Tập trung tuyên truyền hướng vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như: lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức đối với người tham gia giao thông.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên, liên tục thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm chở hàng quá tải trọng lưu thông trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn và các tuyến quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phận mình. Khẩn trương rà soát, có biện pháp xử lý ngay tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường sử dụng các phương tiện kỹ thuật và công nghệ đề phòng, chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép trên địa bàn, nhất là tại khu vực đô thị và các tuyến đường cao tốc.

UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo tăng cường lực lượng tổ chức, hướng dẫn, phân luồng và điều tiết giao thông tại các tuyến đường trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả của giao thông đô thị.

Cần Thơ quyết liệt xử lý buôn lậu, chống tội phạm

Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Cần Thơ kiên quyết xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi làm ngơ, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đồng thời, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của thành phố Cần Thơ được tăng cường. Năm 2014, thành phố đã xử lý 1.424 vụ với 1.371 đối tượng vi phạm, xử phạt 9,363 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm 2015 đã kiểm tra 233 vụ với 233 đối tượng vi phạm. Đã triển khai 188 cuộc thanh tra, kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân theo quy định.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an Cần Thơ đã mở nhiều đợt tấn công, truy quét tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn được kiềm chế, đã điều tra làm rõ 345 vụ, bắt 502 đối tượng phạm tội xâm phạm trật tự xã hội, phát hiện 186 vụ với 285 đối tượng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán chất ma túy; đã triệt phá 3 vụ án buôn người, bắt 4 đối tượng, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải xác định chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa bàn. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên, kiên quyết xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi làm ngơ, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân phát hiện, tố giác, không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, tăng cường triệt phá các “đường dây”, “ổ nhóm” buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW và các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tội phạm; tập trung rà soát xác định, các địa bàn phức tạp về an ninh để có kế hoạch đấu tranh, chuyển hóa phù hợp, nắm chắc tình hình không để bị động, bất ngờ; liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm nguy hiểm có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn được dư luận quan tâm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động giải quyết tốt các vấn đề dẫn tới nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự; tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Về hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xem xét, xử lý bảo đảm phù hợp với thực tế và chính sách áp dụng chung cho các địa phương, trong đó có Cần Thơ. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung thực hiện chính sách xã hội ở những nơi khó khăn nhất

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội tại cuộc họp Ban Chỉ đạo.

Theo thông báo kết luận, mặc dù kinh tế nước ta năm 2014 còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quan tâm, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội và đạt được những kết quả tích cực: Hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện an sinh xã hội; đã mở rộng hơn quyền được hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội cho người dân; nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi xã hội và an sinh xã hội được Nhà nước tăng cường, các địa phương ưu tiên, xã hội quan tâm đóng góp; đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 15/-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ vẫn còn một số hạn chế như công tác xây dựng luật, chính sách về an sinh xã hội chưa đồng đều ở các địa phương; công tác xây dựng luật, chính sách về an sinh xã hội chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng triển khai chậm; đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn...

Trong năm 2015, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội cần đổi mới theo hướng tập trung nguồn lực thực hiện chính sách xã hội ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất trước (trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), bảo đảm sát với nhu cầu của người dân, từ việc ăn, ở, học hành, đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần.

Áp dụng phù hợp cơ chế thị trường, tránh cào bằng, bảo đảm phù hợp và tạo động lực phấn đấu cho đối tượng thụ hưởng; đồng thời, vẫn phải có cơ chế, chính sách ưu đãi cho người có công, người yếu thế trong xã hội. Trên cơ sở đó, vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục tiêu chính sách, loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ về vật chất và tinh thần phù hợp cho người có công với cách mạng, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, bảo đảm sự hòa hợp dân tộc trong tổ chức triển khai.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, lồng ghép các chương trình mục tiêu vào chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm việc sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách cho vay sinh viên Y khoa sau khi đã tốt nghiệp, trong thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23/11/2009, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo trong quý III/2015./.