Thủ tướng phê chuẩn nhân sự tỉnh Bắc Giang

Tại Quyết định 586/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Linh sinh năm 1959, quê quán xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; trình độ học vấn: Thạc sỹ Luật, cao cấp chính trị. Ông Linh đã từng kinh qua các chức vụ: Chánh văn phòng Huyện ủy Tân Yên, Chủ tịch HĐND huyện Tân Yên, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Đồng thời, tại Quyết định 582/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Tại Quyết định 584/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với: Ông Hoàng Công Mừng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang; ông Phạm Mạnh Thường, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang.

Tại Quyết định 583/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Ngô Minh Tiến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang, để nhận nhiệm vụ mới.

Nhân sự mới tỉnh Hà Nam

Tại Quyết định 594/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Minh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam.

Tại Quyết định 593/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011- 2016 đối vối ông Trần Hồng Nga, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 595/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Văn Tam, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam, để làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội.

Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại

Trong năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan báo, đài, UBND các tỉnh xây dựng Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại.

Trên là một trong những nhiệm vụ trong Kế hoạch thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2015 - 2017.

Mục tiêu của Kế hoạch thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2015 - 2017 là định hướng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin đối ngoại cần triển khai trong giai đoạn 2015 - 2017; đồng thời, làm cơ sở để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện hoạt động thông tin đối ngoại bảo đảm thống nhất, hiệu quả, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Đẩy mạnh thông tin đối ngoại

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch trên là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh thông tin đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế; tích cực thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo và biên giới, lãnh thổ quốc gia; phổ biến, giáo dục về nhân quyền, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền con người và phản bác các luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Trong đó, từ năm 2015 - 2017, các Bộ ngành liên quan sẽ triển khai Đề án xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tới năm 2020”; xây dựng Đề án thành lập “Nhóm cộng tác viên Việt Nam ở nước ngoài”.

Cùng với đó là xây dựng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện, đa ngôn ngữ có hàm lượng văn hóa cao, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương để phát triển du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh quốc gia qua các sự kiện Ngày văn hóa, Tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động kỷ niệm năm chẵn Năm quan hệ Việt Nam với các nước; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại một số địa bàn trọng điểm trong và ngoài nước.

Quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và gia tăng xuất khẩu.

Đến năm 2020, ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập (khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ).

Về quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao được tập trung tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung bộ; các vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Thái Nguyên (sản xuất chè xanh) và Lâm Đồng (sản xuất chè olong); các vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Bình Thuận; các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; các vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực xuất khẩu ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Các vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An và Lâm Đồng; các vùng chăn nuôi lợn ngoại ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ; các vùng chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Các vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Định hướng đến năm 2030, hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập thuộc quy hoạch tổng thể.

Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và các tỉnh còn lại.

Triển khai nhiệm vụ đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân năm 2015

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (896) vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này trong năm 2015.

Theo Kế hoạch, trong năm 2015, Ban Chỉ đạo 896 sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung công việc gồm: Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2015; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; tổ chức họp, hội thảo phục vụ việc triển khai thực hiện Đề án; các hoạt động khác.

Cụ thể, Bộ Công an được giao nhiệm vụ chủ trì trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân trong đó quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số định danh cá nhân, phương thức kết nối, cập nhật, khai thác, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định trên; thực hiện các thủ tục bảo đảm cho việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Văn phòng Ban Chỉ đạo cùng các Bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng Tài liệu hướng dẫn thực hiện rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; thực hiện việc rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân...

Phê duyệt đề cương, kế hoạch biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Đề cương và Kế hoạch biên soạn, xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).

Theo đó, lịch sử Chính phủ Việt Nam từ 1945 đến 2015 được phân chia làm 3 thời kỳ lớn, ứng với 3 thời kỳ thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Cụ thể, thời kỳ thứ nhất (1945 - 1954), thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ, kháng chiến chống thực dân Pháp (từ Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đến Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa).

Thời kỳ thứ hai (1955 - 1975), thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (bao gồm Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam).

Thời kỳ thứ ba (1976 - 2015), thời kỳ đất nước thống nhất, cả nước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sản phẩm chính của công trình là bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ năm 1945 - 2015 gồm 3 tập ứng với 3 thời kỳ nêu trên, các tập biên niên lịch sử và phần kết luận (các chuyên đề tổng kết, đánh giá).

Cụ thể, Bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) gồm 3 tập (bổ sung tư liệu, hiệu đính và tái bản); bộ Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2005) gồm 5 tập (bổ sung tư liệu, hiệu đính và tái bản); biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5 năm 2005 đến năm 2015 (viết mới và xuất bản); lịch sử Chính phủ Việt Nam từ tháng 5 năm 2005 đến năm 2015 (viết mới và xuất bản); lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015) (tóm lược và xuất bản).

Các sản phẩm khác gồm có: Một bộ phim tài liệu và Lịch sử Chính phủ (1945 - 2015) (bổ sung tư liệu, phát hành); một bộ ảnh tư liệu Lịch sử Chính phủ (1945 - 2015) (bổ sung tư liệu, hiệu đính, xuất bản); các báo cáo chuyên đề nghiên cứu phục vụ việc tổng kết, đánh giá; bộ hồ sơ lưu trữ các tài liệu của công trình biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1945 - 2015).

Công trình được thực hiện từ tháng 1/2015 đến hết năm 2016./.