Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

Theo đó, hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hoá, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.

Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước

Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau:

- Không nhỏ hơn 10 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung;

- Không nhỏ hơn 5 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung;

- Trường hợp đoạn sông, suối, kênh, rạch bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào diễn biến lòng dẫn, tình trạng sạt, lở để quyết định phạm vi hành lang bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế các nguyên nhân gây sạt, lở bờ, bảo vệ sự ổn định của bờ;

- Trường hợp đoạn sông, suối, kênh, rạch đã được kè bờ chống sạt, lở, lấn chiếm, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phạm vi của hành lang bảo vệ nguồn nước nhỏ hơn phạm vi tối thiểu được quy định nêu trên.

Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 20 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; không nhỏ hơn 15 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung.

Đối với hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch có chức năng bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 30 m tính từ mép bờ hoặc bao gồm toàn bộ vùng đất ngập nước ven sông, suối, kênh, rạch.

Nghị định cũng quy định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi; đối với hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác.

Cấm lấn chiếm đất trong hành lang bảo vệ nguồn nước

Nghị định cũng quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước gồm: Các hành vi gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; sử dụng đất không đúng mục đích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại cũng là hành vi bị cấm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.

Hà Nam có 2 Phó Chủ tịch tỉnh mới

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Nam và ông Bùi Quang Cẩm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam.

Tại Quyết định 593/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011- 2016 đối vối ông Trần Hồng Nga, để nghỉ hưu theo chế độ.

Bố trí vốn xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và TPHCM

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) để thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp về việc chuyển địa điểm xây dựng cơ sở II Đại học Luật Hà Nội từ huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội sang thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật".

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tập trung nguồn lực tổng thể xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, có đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại, có mô hình quản trị tiên tiến; tạo chuyển biến mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật và nghiên cứu khoa học pháp lý; cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và toàn xã hội nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn được xếp hạng đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.

Theo quy định tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ thì hạng Tổng công ty đặc biệt được áp dụng đối với công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ-công ty con do Thủ tướng quyết định thành lập đủ các điều kiện: Giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế; có vốn nhà nước từ 1000 tỷ đồng trở lên; có lợi nhuận từ 100 tỷ đồng trở lên; nộp ngân sách Nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên; có từ 10 đơn vị thành viên trở lên (bao gồm đơn vị hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc). Đối chiếu với điều kiện xếp hạng Tổng công ty đặc biệt quy định tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP thì Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đủ điều kiện xếp hạng Tổng công ty hạng đặc biệt.

Kiện toàn BCĐ về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển

Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển vừa có Quyết định ban hành Chương trình công tác năm 2015 và kiện toàn Ban Chỉ đạo này.

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển. Phó Trưởng Ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang. Phó Trưởng Ban là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương.

Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển có 13 ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định; Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thành Minh và đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Bộ Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Tăng cường giám sát từng dự án

Theo Chương trình công tác năm 2015, Ban Chỉ đạo sẽ thực hiện 9 nhiệm vụ. Trong đó, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang dở dang, dự án đã thực hiện kéo dài nhiều năm; tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng công tác điều tra cơ bản của từng dự án, chương trình; chỉ đạo sát sao và quyết liệt các đơn vị chủ trì dự án hoàn thành công tác nghiệm thu đối với các dự án đã cấp đủ kinh phí thực hiện, đồng thời giao nộp đầy đủ kết quả điều tra cơ bản vào hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia nhằm phục vụ tốt cho việc khai thác, sử dụng.

Ban Chỉ đạo cũng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét điều chỉnh, bổ sung một số dự án, nhiệm vụ có tính cấp bách, quan trọng, đột xuất về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển và hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều tra cơ bản; tiến hành rà soát, thẩm định và xây dựng danh mục dự án, nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến có chọn lựa kết quả điều tra cơ bản biển, hải đảo góp phần phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.

Chỉ dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đào tạo nghề phải đa dạng, cụ thể, sát nhu cầu của người dân và thực tiễn sản xuất. Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và có khả năng thu nhập cao hơn sau học nghề.

Phó Thủ tướng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động. Kiên quyết không để các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, tổ chức kém hiệu quả tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án 1956 và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Đồng thời thực hiện việc lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình khác nhau, giữa các đối tượng đào tạo, các địa phương; lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa, xã hội, kiến thức kinh doanh trong quá trình đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Bên cạnh đó thực hiện phương thức hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học nghề thông qua cơ sở đào tạo; chỉ hỗ trợ trực tiếp (tiền ăn, tiền đi lại) cho người học thuộc một số đối tượng ưu tiên (người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ bị mất việc làm) và tập trung kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu ra.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập nếu đáp ứng các điều kiện dạy nghề, nhất là về giáo viên, chương trình, thiết bị dạy nghề.

Tăng cường công tác tư vấn đối với lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề để học và có điều kiện làm nghề sau khi học. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền trực tiếp cho lao động nông thôn trong quá trình đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức thông tin rộng rãi về những người lao động của mình đã thành công sau học nghề.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) (giai đoạn 2010-2014), cả nước đã có gần 3,2 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 70,8% mục tiêu Đề án (trong 5 năm dạy nghề cho 4,5 triệu người); đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.

Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đạt 90,4% kế hoạch cả giai đoạn 2010-2014. Trong số hơn 1,9 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề xong, có hơn 1,5 triệu người có việc làm sau học nghề, đạt 78,7%, cao hơn 8,7% so với mục tiêu tối thiểu của Đề án là 70% số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề…/.