Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của Đề án là hoàn thành việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ASEAN về giao thông vận tải; phát huy hiệu quả kết nối để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, vai trò và năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam; lồng ghép thực hiện các mục tiêu kết nối giao thông vận tải trong ASEAN với việc hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra theo các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án cụ thể của ngành giao thông vận tải được phê duyệt.

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải

Để tăng cường thực hiện kết nối giao thông vận tải trong ASEAN giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án đã đưa ra 7 giải pháp: 1- Tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối; 2- Kết nối vận tải qua biên giới; 3- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; 4- Tăng cường huy động các nguồn lực để kết nối; 5- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; 6- Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ; an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; 7- Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Trong đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và hiện đại hóa các phương tiện vận tải đường bộ, đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ phù hợp với tiêu chuẩn đường bộ của các nước ASEAN để đảm bảo kết nối và hội nhập quốc tế.

Phát triển phương tiện vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường; tăng cường quản lý, kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông.

Về đường biển, Đề án đưa ra giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của đội tàu quốc gia; ưu tiên phát triển năng lực vận tải đa phương thức trên các hành lang kết nối với các cảng biển trọng điểm; đẩy mạnh phát triển chuỗi sản phẩm vận tải và du lịch đường biển, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu chở khách du lịch đồng thời tăng cường khả năng kết nối thuận tiện đến các điểm du lịch trên đất liền; từng bước phát triển đội tàu khách du lịch cỡ lớn kết nối Việt Nam với các điểm du lịch quan trọng trên thế giới.

Đối với hàng không, Đề án đưa ra giải pháp là nâng cao năng lực của các hãng hàng không trong nước đủ sức cạnh tranh tham gia thị trường hàng không thống nhất ASEAN, tiến tới tham gia có hiệu quả vào các thị trường hàng không liên khối rộng lớn hơn như ASEAN - EU, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Hàn Quốc… Tiếp tục tăng cường sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân, hàng không giá rẻ.

Đề án cũng sẽ thực hiện đẩy mạnh du lịch bằng đường sắt, kết nối dịch vụ du lịch đường sắt với du lịch đường bộ, hàng không, hàng hải; hình thành các đoàn tầu du lịch có chất lượng dịch vụ cao; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh cho hành khách…

Tăng cường công tác giám sát, phản biện của Hội Nông dân

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Theo đó, Hội Nông dân Việt Nam cần tăng cường công tác giám sát, phản biện việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, xem xét việc chấp hành, kiến nghị, đề xuất chính sách mới thiết thực, hiệu quả; kịp thời phản ánh nguyện vọng chính đáng của nông dân.

Cũng theo thông báo kết luận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và những năm tiếp theo đã được Đảng và Nhà nước đề ra.

Hội Nông dân tiếp tục phát động các phong trào thi đua, vận động toàn dân tích cực tham gia các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các cấp hội vận động hội viên tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế vùng, liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng.

Đồng thời huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng nông thôn; tổ chức tốt công tác dạy nghề nông thôn, phát triển nghề mới, làng nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn bền vững; tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Hội Nông dân tích cực đóng góp vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền các cấp năm 2015 là năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, từ năm 2012 các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai các hoạt động nhằm tạo nguồn lực để các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Sau hơn 3 năm thực hiện, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương được cấp bổ sung 400 tỷ đồng và 49 tỉnh, thành Hội được cấp bổ sung hơn 570 tỷ đồng.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng mạnh góp phần để các cấp Hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Hiện tại, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho hơn 111.300 hộ vay vốn xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; các cấp Hội cũng đã tổ chức vận động trên 10 triệu hội viên, nông dân tham gia học nghề, phối hợp và trực tiếp dạy nghề cho hơn 1 triệu người; đẩy mạnh 3 phong trào thi đua lớn của Hội, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ hội viên, nông dân tích cực tham gia. Hằng năm có 8,2 triệu hộ đăng ký phấn đấu trong đó có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp./.