Cụ thể, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, Dự thảo Luật quy định một nguyên tắc, đó là, thông tin được cung cấp phải kịp thời, chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải công khai, minh bạch.

Trong đó, đối với các đối tượng có điều kiện khó khăn, như: người khuyết tật, người sống ở miền núi, hải đảo... Nhà nước phải tạo điều kiện để họ thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình.

Đối với nhóm đối tượng là người không có hoặc mất năng lực hành vi dân sự, Dự thảo cũng nêu rõ quyền tiếp cận thông tin của họ được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật.

Đặc biệt, Dự thảo nêu rõ việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định và trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời nhấn mạnh, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Để phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật, Dự thảo Luật quy định một số hành vi bị cấm là cung cấp sai lệch thông tin và sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; làm giả thông tin, kích động bạo lực; tuyên truyền chiến tranh; gây thù hằn, chia rẽ dân tộc, tôn giáo; cung cấp, sử dụng thông tin để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân; uy tín của cơ quan, tổ chức./.

Dự thảo Luật tiếp cận thông tin ra đời nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quyền được thông tin theo Hiến pháp năm 1992, quyền tiếp cận thông tin theo Hiến pháp năm 2013; bảo đảm pháp luật về tiếp cận thông tin phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra. Đồng thời, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.