Hỗ trợ 9 địa phương bảo vệ và phát triển đất trồng lúa

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 470.880 triệu đồng cho 9 địa phương từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế của ngân sách trung ương năm 2015 để thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2014.

9 tỉnh được bổ sung kinh phí gồm: Bắc Ninh 13.750 triệu đồng, Thanh Hóa 64.792 triệu đồng, Đà Nẵng 1.093 triệu đồng, Quảng Ngãi 14.905 triệu đồng, Tây Ninh 25.486 triệu đồng, Vĩnh Long 35.600 triệu đồng, Hậu Giang 41.194 triệu đồng, Đồng Tháp 113.067 triệu đồng, Kiên Giang 160.993 triệu đồng.

Việc quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành.

Tại Việt Nam, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng... diện tích đất canh tác đang giảm đi nhanh chóng. Việc giữ gìn diện tích đất trồng lúa là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ địa phương trồng lúa để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên cả nước.

Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ địa phương sản xuất lúa 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Đối với diện tích đất khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ địa phương sản xuất lúa 10 triệu đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa...

Bổ sung kinh phí nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ trẻ ở xã

Thủ tướng Chính phủ vừa bổ sung 6.934 triệu đồng cho Bộ Nội vụ từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc ngân sách trung ương năm 2015 để thực hiện Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020.

Việc quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành.

Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2014 - 2016, giai đoạn 2 từ năm 2017 - 2020. Đề án được thực hiện tại 2.333 xã theo Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015.

Nội dung bồi dưỡng gồm những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước dành cho cán bộ, công chức trẻ ở xã; những giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế trang trại,... trên địa bàn xã; các kỹ năng đối với cán bộ, công chức trẻ ở xã với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho 100% cán bộ, công chức trẻ của 2.333 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý từ ngày 1- 30/6/2015.

Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền với phương châm hướng về cơ sở, dựa vào cộng đồng, chú trọng tuyên truyền, giáo dục về tác hại của các loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới; tuyên truyền theo chủ đề “Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy” thông qua việc phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách mới trong công tác cai nghiện ma túy, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, cổ vũ động viên các gương người cai nghiện thành công, các mô hình hỗ trợ người nghiện có hiệu quả tại cộng đồng.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm người, văn hóa vùng miền, địa phương; tăng cường tuyên truyền thông qua các hoạt động thể thao, văn hóa, phổ biến pháp luật; tập trung khai thác thế mạnh của mạng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng để tăng khả năng tiếp cận các nội dung tuyên truyền; thực hiện đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền tại cơ sở thông qua các thiết chế văn hóa (đội chiếu phim lưu động, hệ thống truyền thanh, điểm văn hóa...).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật phòng, chống ma túy, triển lãm tranh cổ động phòng, chống ma túy, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy và các hoạt động văn hóa thể thao khác. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các thông điệp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tháng cao điểm; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động tiếp thị ma túy trái phép trên mạng Internet.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ phát động hưởng ứng tháng cao điểm và các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong thanh niên, thiếu niên, gắn với các hoạt động thể thao, văn hóa, hội thảo chuyên đề nhằm tăng tính hấp dẫn của các hoạt động truyền thông.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong công nhân viên chức lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân.

Nghiên cứu điều chỉnh mức lương cơ sở

Theo phân công của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trong năm 2015, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với một số Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh mức lương cơ sở trên kết quả tạo nguồn của Bộ Tài chính.

Cũng về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để trình Trung ương khi cân đối được nguồn lực; nghiên cứu xây dựng bảng lương chuẩn trên cơ sở mức lương tính đủ theo nhu cầu tối thiểu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo điểm b Khoản 3 Kết luận số 63-KL/TW.

Về chính sách tiền lương đối với lao động trong các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và sớm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Bên cạnh đó, các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông và báo chí, văn hóa, thể thao và du lịch, dạy nghề sẽ được các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ trong năm 2015.

Cải cách bảo hiểm xã hội, thực hiện đầy đủ chính sách người có công

Về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), Phó Thủ tướng phân công một số Bộ trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật BHXH năm 2014 như: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, thanh tra BHXH, Nghị định về chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan liên quan cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cải cách bảo hiểm xã hội nhằm cân đối quỹ bảo hiểm xã hội về lâu dài; nghiên cứu và kiến nghị phương án xử lý với mức lương hưu của người có mức lương hưu thấp (cả trước và sau tháng 4/1993).

Đặc biệt, Phó Thủ tướng phân công Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có công nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; tiếp tục nghiên cứu Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công./.