Sửa đổi quy định đối tượng cử tuyển

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó sửa đổi quy định đối tượng cử tuyển.

Theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP, một trong các đối tượng cử tuyển là công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh, ưu tiên xét cử tuyển đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao.

Quy định trên đã được sửa đổi theo hướng bổ sung thêm điều kiện về thời gian học trung học phổ thông tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể, đối tượng cử tuyển là công dân Việt Nam thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có thời gian 3 năm học trung học phổ thông tại trường đóng tại địa phương đó (học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh các lớp tạo nguồn tính theo hộ khẩu trường trú) được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc có thời gian 4 năm học trung học cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử tuyển vào trung cấp; ưu tiên xét cử tuyển đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao.

Theo Nghị định mới, thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ thông báo xét tuyển theo quy định tối đa là 12 tháng (quy định cũ tối đa là 6 tháng), kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 12 tháng không nhận được thông báo xét tuyển theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

Theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP, người học theo chế độ cử tuyển phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo nếu có thời gian làm việc dưới 60 tháng (đối với người học trình độ đại học, cao đẳng) và dưới 36 tháng (đối với người học trình độ trung cấp) theo sự phân công công tác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP. Theo đó, người học theo chế độ cử tuyển phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo nếu có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo.

Thủ tướng bổ nhiệm lại 2 thứ trưởng

Thủ tướng Chính phủ vừa bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Cụ thể, tại Quyết định 650/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm lại ông Bùi Văn Ga giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Giáo dục đại học; Giáo dục chuyên nghiệp; Giáo dục quốc phòng; Đào tạo theo nhu cầu xã hội; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Hợp tác quốc tế và đào tạo với nước ngoài; Công tác thanh tra trong các lĩnh vực phụ trách theo phân công của Bộ trưởng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga phụ trách các đơn vị: Vụ Giáo dục Đại học; Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp; Vụ Giáo dục Quốc phòng; Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Đào tạo với nước ngoài; Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam; Trung tâm khu vực về học tập suốt đời của SEAMEO tại Việt Nam; Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.

Tại Quyết định 657/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm lại ông Hà Hùng giữ chức Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Văn Phòng, Tổng hợp, Thi đua - Khen thưởng, kỷ luật; Xây dựng cơ bản; Đề án Học viện Dân tộc; Quy chế Dân chủ cơ sở của Cơ quan Ủy ban Dân tộc; Cải cách thủ tục hành chính; điều hành kế hoạch chi tiêu, tài chính hàng năm của Cơ quan Ủy ban Dân tộc; chỉ đạo cung cấp thông tin cho người phát ngôn của Ủy ban Dân tộc sau khi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban phê duyệt.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng phụ trách các Vụ, đơn vị: Văn phòng Ủy ban, Vụ Tổng hợp, Nhà khách Dân tộc, Ban xây dựng cơ bản, Văn phòng Đại diện phía Nam.

Thay Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam

Tại Quyết định 658/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Huy, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.

Đồng thời, tại Quyết định 648/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Văn Thạnh thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam để nhận nhiệm vụ mới.

Nâng cấp Quốc lộ Nam sông Hậu

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư nâng cấp quốc lộ Nam sông Hậu đoạn ngã năm cầu Cần Thơ - cảng Cái Cui theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP Cần Thơ quyết định vị trí đặt trạm thu phí và phương án thu phí theo quy định hiện hành.

Được biết, tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu đi qua 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hiện nay, tuyến quốc lộ này đã xuống cấp trầm trọng, xảy ra nhiều tai nạn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, đầu tư nâng cấp quốc lộ Nam sông Hậu là việc làm rất cần thiết.

Lựa chọn nhà thầu tư vấn Dự án Cảng trung chuyển than ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với đơn vị tư vấn để hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển than khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam quyết định và chịu trách nhiệm việc lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện nội dung công việc trên theo đúng quy định pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Việc xây dựng Dự án Cảng trung chuyển than đồng bằng sông Cửu Long nhằm bảo đảm cung cấp than cho các Trung tâm Điện lực: Duyên Hải, Long Phú và Sông Hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều dự án trong các Trung tâm này đang được xây dựng: Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 MR (lần lượt đưa vào vận hành trong giai đoạn 2015 – 2018); Long Phú 1, Sông Hậu 1 (đưa vào vận hành giai đoạn 2018-2020).

Phải hoàn thành trồng rừng thay thế trong năm 2015

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đặc biệt là sang đầu tư xây dựng các công trình thủy điện phải hoàn thành công tác trồng rừng thay thế trong năm 2015; đồng thời, hỗ trợ giải quyết đất đai để trồng lại rừng trên địa bàn.

Phó Thủ tướng lưu ý đối với các dự án, Chủ đầu tư đã nộp tiền về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh thì phải khẩn trương chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để bố trí trồng rừng ngay không để tồn quỹ. Trường hợp địa phương không còn quỹ đất thì khẩn trương nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch bố trí cho các tỉnh khác.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 2/CT-TTg ngày 24/1/2014 và văn bản số 10065/VPCP-KTN ngày 16/12/2014 của Văn phòng Chính phủ.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương đến tháng 12/2014, có 28/55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trồng rừng thay thế được 7.191 ha; trong đó diện tích trồng trong năm 2014 là 4.648 ha, đạt 35% tiến độ kế hoạch năm; bao gồm: diện tích trồng rừng thay thế các dự án thủy điện 2.445 ha, đạt 22% kế hoạch; diện tích trồng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích khác 2.203 ha, đạt 104% kế hoạch./.