Phụ cấp ưu đãi với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Theo đó, căn cứ vào đặc thù chuyên môn, mức độ đào tạo và chức năng hoạt động của từng chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp gồm:

1- Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối nước, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể; người biểu diễn nhạc cụ hơi.

2- Người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên kịch câm, hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím; kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng.

Đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn gồm người trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn và phục vụ công tác biểu diễn, bao gồm: Đối tượng (1), (2) nêu trên; người chỉ đạo nghệ thuật buổi diễn chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc; người làm việc theo chế độ hợp đồng hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp gồm 2 mức: Mức phụ cấp 20%, áp dụng đối với đối tượng 1 nêu trên; mức phụ cấp 15%, áp dụng đối với đối tượng 2 nêu trên.

Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được tính như sau: Phụ cấp ưu đãi theo nghề = Mức lương cơ sở x (Hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có))x Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp được trả cùng tiền lương hằng tháng; phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ bảo hiểm khác.

Chế độ bối dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn

Cũng theo Quyết định, chế độ bồi dưỡng luyện tập tính theo số buổi thực tế luyện tập, gồm 4 mức: 35.000 đồng/buổi tập; 50.000 đồng/buổi tập; 60.000 đồng/buổi tập; 80.000 đồng/buổi tập.

Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế, gồm 4 mức: 80.000 đồng/buổi diễn; 120.000 đồng/buổi diễn; 160.000 đồng/buổi diễn; 200.000 đồng/buổi diễn.

Trong đó, mức 200.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; mức 160.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng; mức 120.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc; mức 80.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ và nhân viên phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng.

Trường hợp người tham gia biểu diễn nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm thì chỉ hưởng mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn cao nhất.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.

Thủ tướng chấn chỉnh việc thực hiện chính sách giảm nghèo

Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững, các Bộ, ngành và các địa phương cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện chính sách giảm nghèo, tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở.

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 năm (2009-2014) triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

Loại bỏ chính sách kém hiệu quả

Theo ý kiến của Thủ tướng, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững, lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo trong phát triển bền vững, đề cao trách nhiệm của ngành, địa phương mình, thể hiện trách nhiệm chính trị đối với nhân dân thông qua quyết tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo bền vững phải được tiến hành khẩn trương theo hướng tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hiệu quả; sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ chính sách trùng chéo, kém hiệu quả.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng phương án rà soát, sắp xếp lại từng nông, lâm trường, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015. Trong đó lưu ý việc gắn với chính sách giao khoán bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng đối với hộ nghèo, người nghèo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 59/TB-VPCP ngày 14/2/2015 của Văn phòng Chính phủ để sớm triển khai việc điều chỉnh chính sách cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và các Bộ liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện nghèo, các địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn, nhất là người thuộc hộ nghèo.

Ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Về huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực, Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, bố trí thêm nguồn lực cho Chương trình giảm nghèo bền vững nói chung và Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo nói riêng trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.

Cùng với đó, các địa phương quan tâm, ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn cho công tác giảm nghèo bền vững với các chương trình, đề án khác trên từng địa bàn, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc đầu tư hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền nêu gương để nhân rộng và phát huy những mô hình, điển hình, kinh nghiệm giảm nghèo tốt, hiệu quả, đồng thời phê phán những tổ chức, cá nhân chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Long An

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 1.507.596,40 m2 đất trồng lúa để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và của Chính phủ.

Tháo gỡ khó khăn xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,1%; xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Trong đó đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản giảm mạnh.

Các khó khăn vướng mắc chủ yếu là nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, cạnh tranh gay gắt, nhất là gạo, tôm; nhiều nước duy trì giá nội tệ thấp khiến xuất khẩu của Việt Nam bất lợi; xu hướng bảo hộ của các nước gia tăng; nông thủy sản xuất khẩu đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm; kinh phí xúc tiến thương mại hạn chế; doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn; năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu...

Tăng cường xúc tiến thương mại

Trước những khó khăn trên, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương theo thẩm quyền thành lập Tổ công tác liên ngành về đẩy mạnh xuất khẩu và quản lý nhập khẩu; tập trung đẩy nhanh công tác đàm phán các hiệp định thương mại, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; điều hành hợp lý hoạt động tạm nhập tái xuất không để ảnh hưởng đến xuất khẩu nông lâm thủy sản qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát quy định về kiểm dịch thực vật để sửa đổi các quy định về kiểm dịch và mặt hàng kiểm dịch chưa phù hợp, gây khó khăn cho xuất khẩu; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với kiến nghị chỉ cần giấy chứng nhận kiểm dịch khi nước nhập khẩu có yêu cầu.

Kiểm soát cước phí vận tải

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu để xử lý theo thẩm quyền đối với kiến nghị về gói tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính xem xét kiến nghị về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng chè, cao su sơ chế và thuế đối với các linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất sản phẩm cao su kỹ thuật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị về nghiên cứu cơ chế đặc thù cho phương tiện xe cơ giới quá tải vận chuyển hàng hóa nông sản phục vụ xuất khẩu và việc kiểm soát tăng cước phí của các hãng tàu; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều chuyển tài sản cho TCty Điện lực Hà Nội

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý điều chuyển các tài sản được hình thành từ các hạng mục công trình điện được đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội sang cho Tổng công ty Điện lực Hà Nội thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Cụ thể, đối với các hạng mục công trình điện không có cam kết hoàn trả vốn của Tổng công ty Điện lực Hà Nội thì thực hiện điều chuyển tài sản theo hình thức tăng, giảm vốn nhà nước (không hoàn trả vốn).

Còn đối với các hạng mục công trình điện có cam kết hoàn trả vốn của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội thống nhất với Tổng công ty điện lực Hà Nội về phương thức bàn giao, thời điểm bàn giao và hoàn trả vốn để thực hiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn UBND thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực Hà Nội thực hiện việc điều chuyển tài sản trên theo đúng quy định của pháp luật./.