Thủ tướng phê chuẩn nhân sự UBND 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND 3 tỉnh Lai Châu, Hậu Giang và Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu.

Ông Đỗ Ngọc An, sinh năm 1963, quê quán xã Tảo Văn Dương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; trình độ chuyên môn là Kỹ sư nông nghiệp, Cử nhân Kinh tế, Thạc sỹ Kinh tế chính trị và trình độ lý luận chính trị là Cao cấp.

Ông Đỗ Ngọc An từng giữ các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Tổ chức Trung ương; Bí thư huyện ủy Thanh Oai, tỉnh Hà Tây; Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tây...

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Khắc Chử, để nhận nhiệm vụ mới.

Tại Quyết định 699/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Bộ Công Thương.

Ông Trịnh Xuân Thanh sinh ngày 13/2/1966; quê xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; trình độ chính trị: Cao cấp; trình độ chuyên môn: Cử nhân Kỹ thuật môi trường và đô thị.

Với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hồng Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Đình Phòng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, để nghỉ hưu theo chế độ.

Thủ tướng chỉ thị phát triển trường, lớp mầm non tại các KCN

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN).

Chỉ thị nêu rõ, ở các địa phương có nhiều KCN nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi mầm non, nhất là độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) ngày càng tăng. Hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập tuy có tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều cơ sở có chất lượng còn rất hạn chế.

Ở nhiều địa phương, việc đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn; việc quản lý, cấp phép thành lập và hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa chặt chẽ. Do thiếu trường, lớp mầm non, nhiều trường hợp phụ huynh phải gửi trẻ tại các nhóm, lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Đến 2020, đáp ứng cơ bản nhu cầu trường, lớp mầm non ở KCN

Để khắc phục tình trạng trên đây, đồng thời giải quyết tốt hơn việc bảo đảm nhu cầu trường, lớp mầm non ở các KCN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi xây dựng quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn phải gắn liền với quy hoạch nhà ở cho người lao động trong KCN, bố trí quỹ đất theo quy định tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ để xây dựng nhà ở cho người lao động, trong đó nhất thiết phải có một phần diện tích đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non.

Đối với các KCN có khó khăn về nhà ở cho người lao động, cần điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết để dành một phần diện tích đất cho việc xây dựng nhà ở cho người lao động theo quy định, trong đó có đủ diện tích để xây dựng trường, lớp mầm non. Đến năm 2020, đáp ứng cơ bản nhu cầu trường, lớp mầm non ở các KCN.

Đồng thời ban hành các chính sách đặc thù của địa phương, trong đó chú ý chính sách thu hút nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong KCN để khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển cơ sở giáo dục mầm non; xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với phí cho thuê hấp dẫn, đủ khuyến khích ở những nơi không thể phát triển cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Bên cạnh đó ưu tiên ngân sách cho giáo dục mầm non trong tổng chi ngân sách địa phương được giao cho giáo dục hàng năm để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho thuê, cho mượn ở những nơi thực sự có nhu cầu cao về trường, lớp mầm non trong đó có các KCN, đồng thời bảo đảm không tăng biên chế giáo viên mầm non; tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, bảo đảm môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện và an toàn.

Xây dựng chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở các KCN

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh quy mô các trường, lớp mầm non để các cơ sở giáo dục mầm non có quy mô nhỏ được hưởng chính sách ưu đãi phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1466/QĐ-TTg, ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở các KCN trong quá trình xây dựng chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện các quy định về quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm, lớp độc lập tư thục; hàng năm chủ trì tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo để góp phần thúc đẩy mạnh hơn việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non tại KCN.

Bảo đảm quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó lưu ý đến các KCN.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm quỹ đất cho nhu cầu xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; ban hành các quy định cụ thể về ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cấp đất xây dựng trường học.

Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, ban hành các quy chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, thiết kế mẫu đối với khu nhà ở của công nhân đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội KCN, để các địa phương và các đơn vị có liên quan căn cứ áp dụng.

Sửa đổi chức năng, nhiệm vụ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg ngày 3/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 79/2009/QĐ-TTg ngày 18/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Sửa đổi chức năng, nhiệm vụ

Cụ thể, Quyết định trên đã sửa đổi, bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Theo đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính; điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia.

Nhiệm vụ của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là đề xuất với Thủ tướng Chính phủ việc ban hành các quy định trong điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); phân tích, đánh giá, dự báo tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đối với thị trường tài chính; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ về chiến lược, định hướng phát triển thị trường tài chính; kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước về cơ chế giám sát, áp dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về giám sát thị trường tài chính.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia còn thực hiện phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng và nguy cơ rủi ro đối với thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô; thiết lập cơ sở dữ liệu, tổng hợp, xử lý và cung cấp các thông tin về thị trường tài chính quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ; điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành; giám sát chung thị trường tài chính và việc chấp hành các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động giám sát của các cơ quan thanh tra - giám sát chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...

Bổ sung quy chế hoạt động

Về quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Quyết định đã sửa đổi, bổ sung thêm quy định về quan hệ công tác. Theo đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính, quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và thị trường tài chính quốc gia; xây dựng quy chế phối hợp công tác với các Bộ, ngành liên quan.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin, số liệu thống kê định kỳ cho Ủy ban theo danh mục tại Phụ lục kèm theo Quyết định và các báo cáo liên quan đến thị trường tài chính.

Các tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các tổ chức khác có liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin, số liệu định kỳ và đột xuất cho Ủy ban. Danh mục tài liệu cụ thể do Ủy ban tổng hợp, hướng dẫn trên cơ sở các chế độ báo cáo tài chính, chế độ báo cáo thống kê cơ sở và quy định nghiệp vụ hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Các công ty kiểm toán độc lập có trách nhiệm cung cấp báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính, thư quản lý của các tổ chức tài chính theo yêu cầu của Ủy ban.

Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có nguồn vốn tăng cường cho đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá, bảo đảm triển khai hiệu quả các chính sách trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, cần ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực này.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Thông báo 173/TB-VPCP về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67).

Nghị định 67 đã được các Bộ, ngành trung ương, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai tích cực và chặt chẽ, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Sau 8 tháng triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã dần đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần được giải quyết.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 67 một cách hiệu quả, chặt chẽ, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định; bảo đảm cho người dân thực hiện quyền và trách nhiệm quy định tại Nghị định 67; thủ tục hồ sơ phải đơn giản minh bạch nhưng đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổng hợp các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Nghị định, thống nhất phương án, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

4 đối tượng được hưởng chính sách

Phó Thủ tướng đồng ý 4 đối tượng sau đây được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định 67:

Các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép.

Các tổ chức, cá nhân nâng cấp tàu khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ vật liệu mới được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Các tổ chức, cá nhân có tàu công suất từ 400 CV trở lên thực hiện một hoặc nhiều hạng mục nâng cấp tàu (gia cố vỏ tàu; nâng cấp hầm bảo quản; mua ngư lưới cụ; trang thiết bị khai thác; trang thiết bị hàng hải; trang thiết bị bảo quản; bốc xếp hàng hóa) mà không thay máy thì được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Các thành viên nghiệp đoàn nghề cá có tham gia hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được hưởng chính sách bảo hiểm như là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản.

Về thiết kế mẫu tàu, đối với trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép nhưng không làm thay đổi tính năng, an toàn của tàu cá và ủy quyền cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt.

Đối với thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, thẩm định và phê duyệt bảo đảm phù hợp với tập quán của ngư dân, đặc thù vùng biển của địa phương.

Về chính sách tín dụng, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho phép thực hiện vốn đối ứng theo tiến độ hoặc theo định kỳ. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất việc cho vay thương mại đối với phần vốn đối ứng; điều chỉnh lãi suất cho vay vốn lưu động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, xem xét đề xuất kéo dài thời gian cho vay đóng mới tàu vỏ thép./.